Người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic ngày 24.1 cho biết WHO và các mạng lưới chuyên gia của mình đang cân nhắc nghiên cứu khả năng các phương pháp điều trị và vắcxin phòng chống Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS) có thể chống lại virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi khởi phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Jasarevic cho biết số ca nhiễm virus corona mới có thể tiếp tục tăng tại Trung Quốc và hiện còn quá sớm để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Theo ông, "trọng tâm không phải là số ca nhiễm, vốn sẽ tiếp tục tăng," WHO và các chuyên gia của mình sẽ nghiên cứu các phương pháp điều trị và vắcxin phòng chống MERS có thể sử dụng để chống virus corona mới gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc hay không.
Theo các nhà khoa học, kết quả các phân tích ban đầu cho thấy virus corona mới ở Trung Quốc (2019-nCoV) có sự tương đồng axít amin với virus gây dịch Hội chứng Viêm Đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003.
Nhóm virus corona thường được tìm thấy ở chim và các động vật có vú, các chủng virus giống nhau về hình thái và cấu trúc hóa học.
Virus corona chủng OC43 và virus corona chủng 229E gây ra các bệnh hô hấp thông thường như cảm lạnh, cúm ở người. Cũng có những chủng gây bệnh nặng hơn như chủng corona gây SARS hay chủng gây MERS.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Bệnh viện Đại học Geneva (HUG) đã tiến hành thử nghiệm đối với chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc và phát hiện hai điểm đặc biệt đáng lo ngại: virus này có thể lây truyền từ người sang người, có thể dễ dàng đột biến và tự vệ.
Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Thụy Sĩ RTS, người đứng đầu Bộ phận các bệnh truyền nhiễm tại HUG, ông Laurent Kaiser cho biết: "Virus đã được xác định, chúng tôi đã có mã di truyền đầy đủ của chúng. Lo lắng của chúng tôi là hiện chưa có vắcxin hoặc thuốc điều trị chống lại loại virus mới này."
Ông Kaiser cho biết thêm virus này giống khoảng 70% SARS - một dạng viêm phổi không điển hình làm khoảng 8.000 nhiễm bệnh và 774 người tử vong trong đợt dịch năm 2002-2003. Các virus này có tất cả các yếu tố và thành phần có thể gây ra dịch bệnh lớn ở một số quốc gia. Việc tìm kiếm một loại vắcxin sẽ mất nhiều năm, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ liệu loại virus này có tồn tại ở người hay không.
Dịch bệnh cũng có thể biến mất nhanh như khi nó xuất hiện. Tính đến tối 24/1, có hơn 830 người nhiễm bệnh, trong đó 26 ca tử vong tại Trung Quốc. Virus cũng đã lây lan sang nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia...