Tại sao không dùng máy siêu âm?
Nói về vụ việc con của sản phụ Nguyễn Thị Tình (Hậu Lộc, Can Lộc) tử vong có vết đứt ở cổ vào ngày 30/6 vừa qua, bác sĩ Lê Thị Kịm Dung nhận định rằng, thông tin báo chí trong những ngày qua có thể không đầy đủ khiến người đọc, người nghe thấy sự việc này quá khủng khiếp.
Theo bác sĩ Dung, nếu xem xét đầy đủ hồ sơ bệnh án sẽ thấy đây là lần sinh thứ 5 của sản phụ này. Vấn đề chăm sóc, khám thai từ trước đến nay không hề được nhắc đến trong vụ việc này. Trong khi, sản phụ này đã sinh 4 lần trước đó, lại ở vùng nông thôn nên có thể việc mang thai gặp nhiều vất vả.
Tuy vậy, vị bác sĩ này cũng thẳng thắn chia sẻ, việc sản phụ sắp sinh mà người tiếp xúc lại không phải chuyên khoa nên chỉ định có thể không chuẩn xác. Tại sao lại phân công một người đi làm không đúng chuyên môn, như vậy sẽ khiến họ không thể tiên lượng được đầy đủ các tình huống.
"Vấn đề sai sót chuyên môn có thể vẫn xảy ra tuy nhiên trong trường hợp này thì đội ngũ chuyên môn là quá kém. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại không siêu âm dẫn đến việc nhầm tim thai với động mạch tử cung. Trên thực tế, khả năng nhầm vẫn có thể xảy ra khi không tiến hành siêu âm" – bác sĩ Dung cho biết.
Thai chết lưu mà sản phụ có cơn co chuyển dạ, co tử cung là bình thường
Cũng theo chia sẻ từ bác sĩ Lê Thị Kịm Dung, bình thường sản phụ sẽ sinh ở tuần thứ 38 – 40.. Theo thông tin thì sản phụ này sinh ở tuần thứ 35, như vậy là sinh non. Vấn đề là bác sĩ khi biết sinh ở tuần 35 là sinh non nhưng tại sao không báo trước để người nhà sản phụ chống tâm lý sốc khi xảy ra trường hợp xấu.
Nhận định về việc thai nhi bị đứt cổ sau khi bác sĩ dùng tay kéo, nữ bác sĩ này cho rằng khả năng thai chết lưu là lớn. Bác sĩ sản khoa đến sau cũng nhận thấy thai nhi có các vết phỏng, chợt. Trong trường hợp này nếu thai mới tử vong sẽ không có hiện tượng như vậy. Do đó, có thể thai nhi đã tử vong trước đó mà các bác sĩ đã không chẩn đoán được.
"Giới chuyên môn có thể hiểu các ca sinh non và chết lưu thì việc kinh hoàng như vậy là có thể xảy ra. Đầu xuôi thì đuôi lọt, việc thai đã sinh ra được phần đầu thì phần thân ra cũng rất dễ, trừ trường hợp quá to hoặc dị tật. Việc thai chết lưu nhưng sản phụ vẫn có cơn chuyển dạ, cơn co tử cung đó là bình thường" – bác sĩ Dung nói.
Còn về vấn đề bác sĩ Trưởng khoa sản ở BVDDK Đức Thọ khâu lại vết thương trên cổ thai nhi đó cũng là điều dễ hiểu. Có thể mục đích là để người nhà khỏi đau lòng. Nếu cẩn thận hơn, bác sĩ có thể để nguyên hiện trạng để mời pháp y sang xác nhận nguyên nhân tử vong trước. Ngoài bác, bác sĩ Dung cũng chia sẻ, việc thai chết lưu khiến sản phụ rất dễ băng huyết và tử vong, do vậy trong trường hợp này sản phụ sống sót đó cũng là điều rất may mắn.