Sau một kỳ nghỉ lễ dài ngày như nghỉ Tết nguyên đán cũng là lúc nhiều người phải bỏ lại bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành và các thú vui khác để bắt đầu quay trở lại với cuộc sống thường nhật, lập kế hoạch cho một năm mới bùng nổ hơn.
Tuy nhiên, nhiều người chưa sẵn sàng quay lại làm việc, vẫn đang ở trong trạng thái mơ màng, loay hoay hậu nghỉ Tết. Thậm chí, nhiều người dù đến công ty nhưng không thực sự làm việc hoặc làm trong tâm thế uể oải và dễ bị xao lãng, công việc không đạt hiệu suất cao như trước.
Đây là hiện tượng phổ biến khắp thế giới. Vậy tại sao các kỳ nghỉ vốn được cho là cải thiện sức khỏe lại dẫn đến sự suy sụp về tinh thần sau đó?
Ảnh minh hoạ/Nguồn: Press Mater
Hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội”
Theo các chuyên gia, nếu thấy bản thân ở trong tình trạng trên, rất có thể, bạn đang mắc hội chứng "căng thẳng sau mùa lễ hội" (Post-holiday blue).
Post-holiday blue có thể hiểu nôm na là trạng thái căng thẳng sau mùa lễ hội. Cụm từ này dùng để chỉ những cảm xúc ngắn hạn mà các cá nhân trải qua sau kì nghỉ bao gồm buồn bã, cô đơn, mệt mỏi, thất vọng, uể oải, suy sụp tinh thần hoặc thậm chí là sợ hãi những tháng ngày sắp tới. Thông thường, hội chứng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và sau đó biến mất nhưng rất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của con người.
Đối với người dân Mỹ và các nước phương Tây, hội chứng "căng thẳng sau mùa lễ hội" thường xảy ra sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Theo nghiên cứu tại Mỹ của Hiệp hội tâm lý học nước này, có tới 68% người dân được hỏi cho biết họ từng có hội chứng "hậu nghỉ lễ".
Với người dân Trung Quốc, hội chứng này thường xảy ra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tại Hàn Quốc, nhiều người trải qua hội chứng này sau kỳ nghỉ Tết Trung Thu.
Ở Nhật Bản cũng xuất hiện một hiện tượng tương tự gọi là "bệnh tháng 5". Bởi đầu tháng 5 là khoảng thời gian dài cho những kỳ nghỉ và lễ hội, hay còn gọi là "tuần lễ vàng" tại Nhật Bản.
Theo Jeroen Nawijn, nhà tâm lý tại Đại học Khoa học Ứng dụng Breda (Hà Lan), con người thường cảm thấy hạnh phúc hơn trong kỳ nghỉ vì được tự do làm điều mình muốn. Khi kỳ nghỉ kết thúc, cả sự tự do lẫn hạnh phúc đó đều biến mất.
Suzanne Degges-White, nhà trị liệu tâm lý kiêm chủ tịch Khoa Tư vấn và Giáo dục Cao cấp tại Đại học Bắc Illinois (Mỹ) đồng tình với quan điểm trên.
"Nhiều người sợ đi làm sau kỳ nghỉ Tết vì biết rằng mình lại phải đối mặt với các công việc chồng chất. Chưa kể, họ có thể bị giao thêm các nhiệm vụ mới trong khi những nhiệm vụ cũ chưa xong", chuyên gia nói.
Degges-White cũng cho rằng sự chuyển đổi từ thời gian biểu linh hoạt trong kỳ nghỉ về thời gian biểu chặt chẽ, ăn ngủ đúng giờ cũng khiến con người căng thẳng. Tâm lý "vui chơi buông lơi ngày tháng" khiến đa phần mọi người trong kỳ nghỉ lễ sẽ thức khuya hơn, dậy muộn hơn. Vì thế, đồng hồ sinh học thường ngày của chúng ta bị thay đổi. Điều này khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi và chậm chạp.
Với những ai lỡ ăn uống vô độ những ngày nghỉ lễ, việc trở về cuộc sống thường ngày càng khó khăn.
Ảnh minh hoạ/Nguồn: Internet
Cách vượt qua nỗi sợ đi làm sau kỳ nghỉ
Ngủ đủ giấc và thức dậy sớm
Những ngày nghỉ lễ thường là cơ hội tốt để nhiều người thức khuya và ngủ nướng vào ngày hôm sau gây rối loạn đồng hồ sinh học dẫn đến thức dậy muộn, đi làm trễ. Ngủ đủ giấc và thức dậy sớm vào ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kì nghỉ sẽ có thể giúp mọi người dễ dàng quay trở lại với lịch trình và giảm bớt nhiều lo lắng trong thời gian đầu trở lại với công việc.
Ra ngoài nhiều hơn
Có thể giải tỏa cảm giác bí bách vì ở lâu và ít vận động trong không gian kín, ngột ngạt như nhà ở, văn phòng công ty bằng cách ra ngoài nhiều hơn. Việc để bản thân có thời gian bên ngoài giúp tăng cường năng lượng và tăng tương tác với mọi người xung quanh.
Tập luyện thể dục thể thao
Nỗi sợ đi làm sau kỳ nghỉ Tết có thể khiến vài người quên đi thói quen vận động. Tuy nhiên, tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng.
Nếu không thích tập thể dục, hãy thử thiền trong 5 phút hoặc tập hít thở sâu để làm dịu tâm trí và kích hoạt giải phóng endorphin, hormone tạo cảm giác dễ chịu.
Lập kế hoạch cho những hoạt động sau kì nghỉ
Mọi người có thể có nguy cơ mắc hội chứng căng thẳng mùa lễ hội cao hơn nếu họ không có điều gì đó để mong đợi sau kỳ nghỉ lễ.
Lên kế hoạch trước cho một việc gì đó, dù lớn hay nhỏ, có thể giúp duy trì động lực vui vẻ sau kỳ nghỉ lễ.
Đặt kỳ vọng thấp hơn
Phần lớn những nỗi sợ đi làm sau kỳ nghỉ Tết đến từ công việc tồn đọng sau thời gian nghỉ dài. Áp lực phải "bắt đầu chạy" khiến chúng ta dễ trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên trở lại làm việc, hãy giảm đi những kỳ vọng dành cho công việc và dành ra một khoảng thời gian ngắn để giải quyết những việc đã tồn đọng trước đó để không bị kiệt sức.
Phương Anh (Theo Popsci)
Nguồn giadinhonline.vn
Link bài gốchttps://giadinhonline.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-so-di-lam-sau-ky-nghi-dai-d204375.html