Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới không giấu được xúc động, niềm tự hào khi tham quan trưng bày. Ông chia sẻ: “Tôi cho rằng đây là một việc làm rất sáng tạo. Tại trưng bày chuyên đề, chúng ta có thể thấy được những câu chuyện vô cùng sinh động, đáng tự hào về báo chí cách mạng Việt Nam qua những câu chuyện tác nghiệp của các nhà báo. Điều này thể hiện tinh thần dấn thân, tinh thần hy sinh của những thế hệ người làm báo”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới tham quan tại trưng bày chuyên đề Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-2024: 99 chuyện nghề
Được thiết kế 23 vách, 99 câu chuyện với nhóm chủ đề cụ thể như: “Từ viên gạch hồng đến ngôi nhà báo chí cách mạng”, “Báo chí trong tù”, “Dọc đường kháng chiến”, “Báo chí trong dòng chảy công nghệ”,… trưng bày chuyên đề đã giúp công chúng có cái nhìn toàn cảnh, hiểu thêm về truyền thống đáng tự hào, về sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Trải qua lịch sử 99 năm hình thành và phát triển, đã có hơn 500 nhà báo ngã xuống trong các cuộc chiến tranh, hàng chục ngàn nhà báo đang tiếp tục sát cánh bên nhau cùng xây đắp sự nghiệp cầm bút vinh quang.
Các nhà báo cùng công chúng báo chí tham quan, chụp hình tại khu trưng bày chuyên đề Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-2024: 99 chuyện nghề
Cùng các bạn tham quan những gian trưng bày, em Quản Thị Thanh Thúy, sinh viên năm 2, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: Hội báo toàn quốc năm 2024 là cơ hội lớn để sinh viên chúng em được tiếp xúc, tìm hiểu chính ngành nghề mình đang theo học; có cơ hội được gặp đại diện những tờ báo lớn, được tìm hiểu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam…
Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm hơn 36 ngàn tài liệu, hiện vật từ 15 cuộc vận động hiến tặng và những chuyến sưu tầm ở gần 60 tỉnh, thành phố; đã thực hiện gần 30 cuộc trưng bày chuyên đề, tọa đàm khoa học về báo chí tại bảo tàng và lưu động ở các địa phương. Những tư liệu này thực sự quý giá, góp phần ghi nhận sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong dòng chảy lịch sự.