Thu hút đầu tư
Là địa phương đang trên đà phát triển, Hậu Giang có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.741 ha. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện các giải pháp gia tăng hiệu quả bảo vệ môi trường, cụ thể là tăng mảng xanh và sử dụng các vật liệu có thể tái chế. Trên hết, trọng tâm là sử dụng các nguồn năng lượng sẵn có (mặt trời, nước, gió). Đến nay, toàn tỉnh đã có 235 doanh nghiệp công nghiệp, với gần 5.000 cơ sở sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc phát triển công nghiệp theo quy hoạch ngành và lãnh thổ, tiết kiệm nguồn lực, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong nước, Hậu Giang đã thành lập được 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích hơn 1.078ha. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được 114 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động, qua đó đã đóng góp gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Một góc khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, về vị trí thì chúng tôi quy hoạch trên 2 địa phương quan trọng là huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A, nhất là tập trung quy hoạch vị tri các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung tại các cao tốc đi và và các quốc lộ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh sẽ quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp, với tổng diện tích 2.233ha. Nhiệm vụ của tỉnh là tập trung đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; Xây dựng khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, khu công nghiệp xanh đảm bảo môi trường, tạo ra giá trị bền vững, tăng thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động nông thôn tại địa phương.
Tuy nhiên, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Cùng với đó là việc xây dựng mối liên kết giữa các viện, trường, trung tâm đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp; Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo kỹ thuật, công nghệ; Khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp; Có cơ chế chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghiệp.
“Công ty có liên kết các trường nghề và các cơ sở đạo tạo để nâng cao tay nghề cho người lao động, đặc biệt mới đây cong ty có đưa vào hoạt nơi ở nơi ký túc xá đảm bão nơi ở cho 1.500 chuyên gia nước ngoài và người lao động tại địa phương”. ông Diệp Văn Dũng, Giám đốc Xưởng vụ, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tại Hậu Giang chia sẻ.
Hậu Giang là một trong những tỉnh có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao nhất khi đầu tư vào các khu công nghiệp, nhất là khi đầu tư vào 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể: Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được miễn giảm tiền thuê đất tối thiểu 11 năm, được miễn thuế nhập khẩu khi nhập khẩu máy móc thiết bị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, giảm tối đa sự phát thải ra môi trường.
Nhiều cách làm hỗ trợ doanh nghiệp
Tại TP Cần Thơ có 6 khu công nghiệp, trong đó có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp trên địa bàn, thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp. Với nhiều cách làm như phát triển năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng, phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển...
Ông Trần Văn Phúc, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ (CIPCO) cho biết: “Việc tương tác, ghi nhận ý kiến đóng góp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ các doanh nghiệp tại KCN Trà Nóc I và II đang được CIPCO quan tâm, thể hiện thông qua “Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp” vừa được CIPCO tổ chức thành công. Các vấn đề mà doanh nghiệp đang quan tâm bao gồm: Hạ tầng, môi trường, phí thuê lại đất, phí xử lý nước thải… được CIPCO trả lời thỏa đáng ngay tại buổi đối thoại đã giúp doanh nghiệp an tâm hoạt động sản xuất. Tại buổi đối thoại, chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tại KCN Trà Nóc I và II đầu tư công nghệ cao tương thích với quy mô sản xuất trong hoạt động xử lý nước thải và khí thải cục bộ… nhằm có những đóng góp thiết thực bảo vệ môi trường. Thông qua buổi đối thoại, CIPCO cũng thông tin đến tất cả doanh nghiệp về vai trò là chủ đầu tư KCN Trà Nóc I, II nên các khó khăn, vướng mắc khi cần doanh nghiệp có thể liên lạc ngay để được hỗ trợ”.
Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ.
Hiện nay CIPCO là đơn vị đầu tiên kinh doanh phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 30 năm kinh nghiệm, phục vụ hoạt động sản xuất của gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước. CIPCO trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước, đang là chủ đầu tư Khu công nghiệp Trà Nóc I và II, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động sản xuất kinh doanh… tạo sinh kế cho hơn 30.000 lao động địa phương cũng như các tỉnh/thành lân cận.
Ngành chế biến thủy sản được xem là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, đạt kim ngạch xuất khẩu trung bình hằng năm khoảng 570 triệu USD và luôn duy trì chiếm từ 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố. Hay ngành xay xát, chế biến gạo của thành phố trong những năm gần đây đạt công suất bình quân từ 4,2- 4,3 triệu tấn/năm, song sản lượng gạo chiếm tỷ trọng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố nhờ các doanh nghiệp tập trung đầu tư nhà máy ở địa bàn vùng nguyên liệu, gắn với đầu tư kho chứa, hiện đại hóa quy trình sản xuất.
Ông Trần Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Đại Nam bật mí: “Doanh nghiệp đang cố gắng phát triển các sản phẩm, cùng với đó là sự nỗ lực đạt được các công nhận về các tiêu chuẩn sạch và xanh của thế giới, chứ không chỉ riêng trong nước mình”.
Mục tiêu đến năm 2030, TP Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trong đó hình thành khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, sản phẩm công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tháng 9 năm 2023, VSIP khởi công dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) có tổng quy mô 900 ha. Giai đoạn một, dự án có diện tích 293,7 ha, tổng vốn đầu tư 3.718 tỷ đồng. Đây là khu công nghiệp lớn nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (không tính Long An), dự báo sẽ tạo động lực đưa Cần Thơ tăng trưởng. VSIP Cần Thơ định hướng thu hút các nhóm ngành: điện - điện tử, sản xuất - lắp ráp phương tiện vận tải, cơ khí sản xuất, sản phẩm phụ trợ công nghiệp kỹ thuật, dệt may, thực phẩm - đồ uống, hậu cần - kho bãi. Hạ tầng hoàn thiện với viễn thông, an ninh - quản lý 24/7, nước cấp đạt mức 45.000 m3 mỗi ngày, hệ thống xử lý nước thải, trung tâm thương mại.
Ông Trần Văn Phúc, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc CIPCO Cần Thơ cho rằng: “Lợi ích khi các doanh nghiệp hướng theo công nghiệp xanh sẽ được người tiêu dùng không chỉ trong nước, mà còn vươn tầm ra thế giới. Bởi xu hướng hiện nay luôn đòi hỏi xuất xứ, cũng như chứng nhận sản phẩm của mình đảm bảo đạt đủ các tiêu chí xanh”.
Mục tiêu đến năm 2030, thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trong đó hình thành khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, sản phẩm công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến tăng khoảng 9% vào năm 2025, tăng 9,2% vào năm 2030 và tăng khoảng 9,5% vào năm 2045. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp thành phố theo hướng nhanh, chất lượng và bền vững, tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp; chuyển dần từ gia công, lắp ráp là chủ yếu sang chế tạo và chế tác.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, khu liên kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi ổn định việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết lao động bị mất việc trong thời gian qua như thành phố Hồ Chí Minh hay các địa phương khác và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là cái nơi để người lao động.
Cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bền vững của nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Xanh hóa công nghiệp là một phương pháp để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Nó bao gồm hoạch định chính sách, cải tiến quy trình sản xuất công nghiệp và năng suất tiết kiệm tài nguyên. Tăng trưởng công nghiệp xanh là con đường đúng đắn và hợp lý, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày và nguồn tài nguyên thiên nhiên dần bị cạn kiệt. Do đó, tăng trưởng xanh cần có khung chính sách hợp lý và lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi.