Tiết dạy của giáo viên Trường THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TPHCM). Ảnh: T.D
Việc TPHCM tiến hành tổ chức thi tuyển phó hiệu trưởng cho các trường THPT được xem là bước đi mang tính đột phá trong việc tìm người có tâm, tầm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cơ sở giáo dục.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Tháng 10 vừa qua, Sở GD&ĐT TPHCM ra thông báo về việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2024. Trong năm nay, đơn vị này tổ chức thi tuyển phó hiệu trưởng với 3 trường THPT là Trần Hữu Trang (Quận 5), Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) và Quốc tế Việt Úc (quận Gò Vấp).
Theo thầy Phạm Hải Dương, khi quyết định tham gia dự thi, các ứng viên cần đọc kỹ văn bản liên quan đến chuyên ngành. Ngoài ra, thầy cô cũng cần chuẩn bị tâm lý thoải mái, vững vàng và thực hiện tốt đề án dự thi.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, việc thi tuyển phó hiệu trưởng ở các trường phổ thông nhằm phát hiện, lựa chọn được những người có đức, có tài để bố trí đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức, đáp ứng vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm.
Từ đó, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.
Đồng thời, việc này còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thi tuyển cũng góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ, góp phần ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Nhiều năm trước, ngành GD-ĐT TPHCM thực hiện theo quy trình từ giới thiệu của cơ sở, rà soát, xin ý kiến của các cơ quan quản lý rồi đi đến thống nhất. Sau đó, Sở ra quyết định bổ nhiệm viên chức vào các chức danh quản lý. Việc triển khai theo quy trình này rất chặt chẽ, đảm bảo chọn đúng người làm lãnh đạo quản lý cho các đơn vị trường học.
Tuy nhiên, điều động nhân sự, nhiều thầy cô gặp khó khăn khi phải đi làm xa, vất vả. Chính vì thế, khi áp dụng thi tuyển sẽ đưa ra giải pháp mới, có sự cạnh tranh giữa các ứng viên, các thầy cô giáo được quy hoạch.
Với việc đi xa, các ứng viên đã xác định trước trường mình ứng tuyển như thế nào, ở đâu, có đặc điểm gì, có phù hợp với điều kiện của mình hay không… rồi quyết định đăng ký dự thi. Đến khi trúng tuyển, ứng viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, việc tổ chức thi tuyển phó hiệu trưởng ở các trường THPT không chỉ giúp ngành GD-ĐT TPHCM lựa chọn được người vừa có đức vừa có tài, mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Thi tuyển chức danh lãnh đạo cũng tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. “Tôi cho rằng việc đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển là hướng đi tất yếu, góp phần ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền”, ông Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh.
Các ứng viên tham gia thi tuyển phó hiệu trưởng năm 2022 tại TPHCM. Ảnh: M.A
Các ứng viên tham gia thi tuyển phó hiệu trưởng năm 2022 tại TPHCM. Ảnh: M.A
Hạn chế tư tưởng “sống lâu lên lão làng”
Người được đăng ký tham gia dự tuyển phó hiệu trưởng các trường THPT năm 2024 tại TPHCM gồm: Nhân sự tại chỗ (là viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và trong quy hoạch của chức danh cần thi tuyển, đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm); nhân sự từ nơi khác (là công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc TPHCM có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và trong quy hoạch của các chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn).
Ngoài ra, người được đề cử tham gia dự tuyển có thể là công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản.
Ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trong những năm qua, việc quy hoạch, bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của ngành GD-ĐT thành phố đã bám sát các quy định của Trung ương, của thành phố và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nội dung, phương pháp, cách làm đã có nhiều đổi mới như dân chủ, công khai. Công chức, viên chức được bổ nhiệm trong diện quy hoạch, có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ được bổ nhiệm, phát huy tốt năng lực, sở trường, góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đây cũng là năm thứ hai Sở GD&ĐT TPHCM thực hiện thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng trường THPT. Việc tổ chức thi tuyển trước hết căn cứ vào những vị trí còn thiếu ở các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở.
Năm nay, chỉ có một trường ở ngoại thành tổ chức thi tuyển (Trường THPT Cần Thạnh), còn 2 trường còn lại thuộc khu vực nội thành. Trong đó, Trường THPT Quốc tế Việt Úc là mô hình trường công với chủ trương phát triển mang tính đặc thù nên đòi hỏi ứng viên dự tuyển cũng phải đáp ứng được một số yêu cầu phù hợp.
Ông Lộc nói thêm, sở dĩ Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng xuất phát từ thực tế, nếu lấy nguồn nhân sự tại chỗ sẽ thiếu tính cạnh tranh, đâu đó vẫn có tư tưởng “sống lâu lên lão làng”.
Việc thực hiện thi tuyển phó hiệu trưởng sẽ thu hút nguồn cán bộ trẻ về công tác tại các trường khu vực ngoại thành, kích thích sự phấn đấu, tính cạnh tranh lành mạnh, khắc phục tình trạng ỷ lại, sức ỳ của nguồn tại chỗ. Ở những trường ở khu vực vùng ven, ngoại thành rất khó điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi này sang nơi khác còn khó khăn.
“Ở lần tổ chức thứ 2 này, Sở GD&ĐT TPHCM thực hiện theo hướng vừa làm, vừa thí điểm, phát huy những mặt được, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi lần triển khai. Trong năm đầu tiên tổ chức thi tuyển, cả ba phó hiệu trưởng đều được tập thể các đơn vị ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp”, ông Lộc cho hay.
3 ứng viên nhận quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng các Trường THPT: An Nhơn Tây, Quang Trung (huyện Củ Chi) và An Nghĩa (huyện Cần Giờ). Ảnh: M.A
Cần mở rộng đối tượng, linh hoạt tiêu chí
Thầy Phạm Hải Dương, trúng tuyển vị trí Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ năm 2022 cho rằng, việc thi tuyển công khai đã tạo động lực phấn đấu cho mọi thành viên trong trường, khắc phục tình trạng định kiến về kiến thức, kinh nghiệm, tình trạng chuộng bằng cấp, cơ cấu, lý lịch, kiến thức chuyên môn. Từ đó giúp đánh giá đúng trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và những định hướng chủ yếu của người được bổ nhiệm.
“Hình thức thi tuyển đem lại nhiều thuận lợi hơn bổ nhiệm lâu nay áp dụng. Bởi với việc tổ chức thi tuyển mọi người có cơ hội như nhau, ai đáp ứng được yêu cầu đặt ra đều có thể tham gia thi. Bên cạnh đó, trong quá trình thi, hội đồng sẽ nắm bắt được năng lực từng ứng viên, từ đó có nhiều sự lựa chọn để chọn ra người có năng lực”, thầy Dương cho hay.
Ngoài ra, trong việc thi tuyển, nếu có thể, cần có lộ trình mở rộng dần đối với đối tượng dự thi, mở rộng hơn ở một số tiêu chí. Chẳng hạn linh hoạt với tiêu chí về trình độ lý luận chính trị và văn bằng, chứng chỉ quản lý Nhà nước… để thầy cô có nguyện vọng dự thi có thể chủ động chuẩn bị trước.
Dĩ nhiên, nếu ứng viên tham gia ứng tuyển đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định sẽ thuận tiện hơn. Chẳng hạn nếu ứng viên đã trải qua lớp quản lý sẽ nắm rõ điều hành một đơn vị trường học như thế nào. Còn giáo viên chưa trải qua thì chỉ mới cảm nhận về mặt kinh nghiệm.
Mặt khác, khi tham gia lớp học trung cấp lý luận chính trị, ứng viên cũng nắm rõ về công tác tổ chức Đảng, quản lý trong nhà trường, Có kiến thức về quản lý hành chính Nhà nước, tầm nhìn chắc chắn rộng hơn. Từ đó, kiến thức, lý luận để trình bày những vấn đề về công việc sẽ thuyết phục ban giám khảo trong quá trình thi tuyển.
Cũng theo thầy Dương, Sở GD&ĐT TPHCM có thể rà soát những đơn vị trường học nào sẽ khuyết vị trí quản lý, dự định tổ chức thi tuyển trong thời gian 2 - 5 năm tiếp theo, công bố thông tin rộng rãi để các ứng viên có dự định đăng ký thi tuyển có khoảng thời gian cần thiết để tham gia các khóa bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ quản lý cần thiết theo quy định.
Ngoài ra, chủ trương thi tuyển vào chức danh lãnh đạo, quản lý nên được duy trì thường xuyên để những người có nguyện vọng trở thành nhà quản lý có thời gian chuẩn bị.
“Chủ trương tuyển chọn chức danh lãnh đạo nhà trường cần duy trì thường xuyên để nhà giáo có nguyện vọng trở thành nhà quản lý giáo dục có thời gian chuẩn bị. Việc duy trì kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo trong ngành Giáo dục chắc chắn sẽ giúp các nhà giáo có sự chuẩn bị những tiêu chuẩn cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu mà hội đồng tuyển dụng đề ra”, ông Nguyễn Văn Ngai cho hay.
Nguồn giaoducthoidai.vn
Link bài gốchttps://giaoducthoidai.vn/thi-tuyen-pho-hieu-truong-cach-hay-de-chon-duoc-nguoi-tai-duc-post709376.html