Ngày 20/10, GCEW cho biết khủng hoảng nguồn nước ngày càng lan rộng, làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp đồng thời tác động xấu tới cuộc sống của con người và cả các sinh vật khác. Theo GCEW, khủng hoảng nước có thể làm cho GDP trung bình của các nước có thu nhập cao giảm 8% vào năm 2050 và các nước có thu nhập thấp giảm tới 15%.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala, đồng Chủ tịch của GCEW cảnh báo rằng khủng hoảng nước tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Suy giảm kinh tế sẽ là hậu quả của thay đổi lượng mưa và nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu, cùng với tổng lượng nước dự trữ giảm và tình trạng thiếu nước sạch và vệ sinh. Một đồng Chủ tịch GCEW khác, Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam cũng nhấn mạnh phải xem nước là vấn đề toàn cầu, trước khi quá muộn.
Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cho hay, hiện nay, khoảng một nửa dân số thế giới (4 tỷ người) đang đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước ít nhất 1 tháng mỗi năm, tình trạng thiếu nước sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Hiện 25 quốc gia đang phải đối mặt với mức "căng thẳng cao cực độ" về tài nguyên nước. Những nước phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng nhất là Bahrain, Cyprus, Kuwait, Liban và Oman, tiếp đó là Chile, Hy Lạp và Tunisia. Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, có nơi 83% dân số bị ảnh hưởng cục bộ.
Tiến sĩ Samantha Kuzma (thuộc WRI) cho biết, nguy cơ mất an ninh lương thực do thiếu nước sản xuất đã ở mức phải báo động. Mía, lúa mì, gạo và ngô bị ảnh hưởng đặc biệt. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu sử dụng nước không ngừng gia tăng. Nhu cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1960, do sự bùng nổ của nông nghiệp, nhu cầu ngày càng cao về sản xuất năng lượng, các ngành công nghiệp và sự tăng trưởng của dân số.
Cũng theo tiến sĩ Kuzma, nước là nguồn tài nguyên đang ngày càng khan hiếm hơn trong bối cảnh loài người và hầu hết sinh vật sống trong tự nhiên đều cần nước hơn khi các đợt nắng nóng tấn công ngày càng dữ dội, đặt thế giới vào cuộc khủng hoảng nước chưa từng có.
Bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) tại các khu vực miền Đông và miền Nam châu Phi cho hay, các khu vực này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước ở mức độ nghiêm trọng. Mùa màng thất bát, gần một nửa (trong khoảng 247 triệu người trong khu vực) và có nguy cơ mất an ninh lương thực ngay vào năm sau (2025).
Cần biết rằng tình trạng khủng hoảng nước không chỉ diễn ra với các nước nghèo, mà ngay cả những quốc gia giàu có cũng bị ảnh hưởng. Tổ chức từ thiện cứu trợ lương thực Foodbank cho biết gần một nửa số hộ gia đình có thu nhập thấp ở Australia (thu nhập dưới 20.000 USD/năm) đang đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực.
Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nước cho cây trồng và vật nuôi. Chính quyền các địa phương Australia đã rất nỗ lực tìm giải pháp hạn chế tác hại từ vấn đề này, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
M.Olivier, nhà khoa học về nước người Tunisia cho hay không có gì lạ khi các quốc gia giàu có cũng phải đối phó với nạn thiếu lương thực trong khi thế giới ngày càng thiếu nước dành cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, càng cần phải coi khủng hoảng nước là vấn nạn toàn cầu và phải gấp rút tăng cường sự hợp tác, cùng với đó phải bảo vệ một cách đầy đủ không chỉ nguồn nước mặt mà cả nguồn nước ngầm trước khi hành tinh trở nên khô khốc.
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Science, 25% dân số thế giới đang sống trong lưu vực có xu hướng suy giảm lượng nước. Các nhà khoa học đến từ Mỹ, Pháp và Saudi Arabia đã xem xét 1.972 hồ và hồ chứa lớn trên Trái đất, trong vòng 20 năm và cho biết có đến 53% số hồ và hồ chứa nước bị suy giảm khả năng trữ nước. Cụ thể là số nước bị mất đi gấp 17 lần lượng nước ở hồ Mead, hồ chứa lớn nhất của Mỹ. Đồng thời, nước ở các dòng sông (trong đó có hệ thống sông Amazon) đã suy giảm ở mức báo động.
Bích Ngọc
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/the-gioi-dang-dung-truoc-khung-hoang-nguon-nuoc-nghiem-trong-94313.html