Chiều ngày 27/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với 63 UBND các tỉnh/thành phố và Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) để đánh giá tình hình, kết quả công tác quản lý thị trường 8 tháng 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các địa phương và Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Cấn Dũng
Buổi làm việc ghi nhận các ý kiến phát biểu của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố trên cả nước.
Các ý kiến đều tập trung nêu bật được những khó khăn, vướng mắc trong cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp chân chính. Các ý kiến đại biểu cũng đánh giá cao, quyết tâm, nỗ lực của lực lượng QLTT trong vai trò lực lượng chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Tập trung cao độ phòng, chống buôn lậu
Đánh giá cao những kết quả mà lực lượng QLTT làm được trong 8 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với tốc độ phát triển mạnh của thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ ngày càng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thị trường.
Những tháng cuối năm 2024, Bộ trưởng yêu cầu lực lượng QLTT tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tại các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời qua thực tiễn quản lý thực thi công vụ, Tổng cục và các đơn vị cần tích cực hơn trong việc tham mưu cho Chính phủ, các Bộ Ngành để ban hành hăọc sửa đổi bổ sung các quy định, các cơ chế chính sách đảm bảo đồng bộ khả thi.
Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã đưa nhiều thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng - Ảnh: DMS
"Lực lượng QLTT cần tập trung cao độ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả theo tuyến, theo địa bàn nhất là dịp cao điểm cuối năm", Bộ trưởng đề nghị.
Cụ thể, đối với Cục QLTT tại tuyến biên giới phía Bắc tập trung xử lý các mặt hàng pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, hàng thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc, gia cầm; Cục QLTT tại tuyến biên giới Miền Trung - Tây Nguyên tập trung xử lý các mặt hàng đường cát, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng; Cục QLTT tại tuyến biên giới Tây Nam tập trung xử lý các mặt hàng vàng, thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;
Cục QLTT các tỉnh trong nội địa tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ
Bộ trưởng yêu cầu lực lượng QLTT toàn quốc cần tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành pháp luật của công chức trong toàn lực lượng; xây dựng hoàn thiện quy trình xử lý vụ việc.
Trong đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
"Tổng cục cần có quy định xử lý nghiêm tập thể, lãnh đạo và người đứng đầu trực tiếp các cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật; đặc biệt, đối với các trường hợp để xảy ra vi phạm nhiều lần, mức độ sai phạm nghiêm trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tổng cục QLTT cần chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từng cấp trong lãnh đạo chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho lực lương QLTT hoạt động hiệu quả. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy chế phát luật.
Từng đơn vị trong lực lượng QLTT chủ động rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề, vụ việc phức tạp, nổi cộm trong đơn vị để xử lý kịp thời dứt điểm theo nguyên tác điều lệ Đảng và quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Chăm lo tốt hơn công tác cán bộ nhất là khâu giáo dục, rèn luyện, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng; luân chuyển cán bộ bảo đảm khách quan, công tâm, hạn chế tiêu cực. Làm tốt công tác khen thưởng và thực hiện chính sách với cán bộ...
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên tất cả các kênh tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ ủng hộ của xã hội đối với hoạt động của ngành; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ công tác QLTT, có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, ví dụ: giữa QLTT với thuế, hải quan...
Tổng cục QLTT cũng cần tập trung đào tạo, đào tạo lại với cán bộ về mặt nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ sử dụng công nghệ thông tin và khả năng đấu tranh với vi phạm trên thương mại điện tử. Xây dựng bộ giáo trình, sử dụng chuyên gia, tuyển dụng mới để bù đắp lực lượng thiếu hụt do nghỉ hưu, chuyển công tác...
"Cuối cùng, cần tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và đề cao tính tiên phong gương mẫu của người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện cơ chế xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm của tổ chức cá nhân thuộc phạm vi phụ trách của mình", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cục QLTT thành phố Đà Nẵng vừa phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Ngũ Hành Sơn phát hiện hơn 160 bình khí cười không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trong buôn bán hàng nhập lậu
Báo cáo với Bộ trưởng, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ, tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Không những vậy, theo ông Nguyễn Hữu Linh, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.
Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.
Những tháng đầu năm, tỷ trọng các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này như Hà Nội, TPHCM, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh thay vì trước đây các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển thì nay được trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện.
Thời gian qua, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực thương mại điện tử: đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hoá nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 50.445 vụ, phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 342 tỷ đồng (tăng 20%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng (tăng 6%), trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng (tăng 86%). Đã thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng (tăng 11%).
Cũng từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023); một số đơn vị có số vụ chuyển cơ quan điều tra nhiều: Hà Nội (39 vụ), TP. Hồ Chí Minh (8 vụ), An Giang (7 vụ), Bình Dương (6 vụ), Vĩnh Phúc (5 vụ), Quảng Ninh (5 vụ). Đồng thời, đã khởi tố 8 vụ án: Hà Nam (1), Long An (2), Bắc Ninh (1), Vĩnh Long (1), Hà Nội (1), Vĩnh Phúc (1), Bến Tre (1).
Phan Trang
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/tap-trung-cao-do-day-lui-hang-gia-hang-nhai-nhung-thang-cuoi-nam-102240827202159123.htm