Khi suy yếu, khứu giác mất hẳn chức năng ngửi mùi và một phần hoạt động của khứu giác cũng suy giảm theo. Những bất ổn của khứu giác hiếm khi được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, nếu tìm được nguyên nhân gây bệnh thì cơ hội chữa khỏi sẽ rất cao.
Hoạt động của khứu giác
Để đến não bộ, mùi hương phải đi vào một hệ thống mạng lưới của khứu giác. Các phân tử khứu giác xâm nhập vào mũi nhờ sự vận chuyển của không khí, sau đó phân tán trong dịch nhầy, là dịch lỏng tiết ra từ màng nhầy của mũi. Dịch lỏng sau đó liên kết với các dây thần kinh khứu giác, bao trùm lên màng nhầy và chuyển đổi các thông tin trở thành tín hiệu điện, để tiếp tục đưa về não bộ. Đó là một tiến trình phức tạp khó có thể nhận biết, mà chỉ cảm nhận được giai đoạn đầu tiên của hoạt động của khứu giác, và vùng sau cùng của não bộ, gọi là vòm khứu giác.
Mũi có khả năng ghi nhớ mùi hương gợi lên nhiều kỷ niệm khác nhau. Chẳng hạn như, khi ngửi thấy mùi hương một bông hoa, mùi thơm một cái bánh khiến bạn hồi tưởng về thời thơ ấu của mình. Trong khi đó, một số người mất hoàn toàn khả năng này, dẫn đến tình trạng mất trí nhớ, quên hẳn những mùi hương quen thuộc.
Nguyên nhân suy giảm khứu giác
Ước tính có khoảng 60% người gặp sự cố về khứu giác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy khứu giác. Khi suy giảm, khứu giác ảnh hưởng đến khả năng truyền đạt do khả năng cảm nhận mùi gặp trở ngại, chướng ngại vật ở màng nhầy như bướu thịt, khối u, dịch nhầy đặc hay lỏng quá, hoặc do viêm mũi, sổ mũi, viêm xoang mũi kinh niên, dị ứng.
Ô nhiễm môi trường, nghiện hút thuốc lá góp phần làm tăng nguy cơ suy giảm khứu giác, khiến bệnh trở nặng hơn. Tuy vậy, người bệnh nhân vẫn có cơ hội phục hồi khứu giác bằng cách sử dụng thuốc corticoid hoặc phẫu thuật làm thông bộ phận ngửi mùi để trị tận gốc căn bệnh.
Cũng có trường hợp suy giảm khứu giác do não hoặc các tế bào khứu giác hoạt động kém, dẫn đến khả năng cảm nhận mùi hương ảnh hưởng theo. Tình trạng này sẽ dẫn đến những tổn thương về hộp sọ, suy thoái thần kinh như bệnh Parkinson hay Alzheimer, bệnh về tuyến nội tiết, bệnh tiểu đường.
Tập luyện khứu giác
Có thể nói, tập luyện khứu giác cũng giống như tập luyện một môn thể thao. Nếu tập luyện đúng cách, khả năng phục hồi bệnh sẽ rất cao. Cách tập luyện gồm
- Liệu pháp mùi hương. Đưa một cái túi đựng hoa oải hương lên gần mũi và nói:” Đây là hương thơm của hoa oải hương”. Tương tự, thực hiện với những thứ khác như phô mai, thịt nướng. Với một số người bệnh, cách này rất hiệu nghiệm, ít nhất cũng giúp phục hồi niềm tin của người bệnh.
- Dùng khứu giác kế. Để kiểm tra khứu giác, với thời gian khoảng 30 phút. Sau khi người bệnh lấy sạch nước mũi và rửa hai tay sạch sẽ, được ngồi đối diện một cái giá có đặt 48 lọ nhỏ, mỗi lọ chứa một mùi hương khác nhau.
Thông qua một chương trình từ máy điện toán, chuyên gia y tế sẽ hỏi cảm nhận của người bệnh về mùi hương họ ngửi sau mỗi lần mở lần lượt các lọ có chứa mùi hương, vào những khoảng thời gian cách xa nhau đều đặn. Những mùi hương được sử dụng gồm mùi hoa hồng, trái mơ, đường ca ra men, phô mai sữa dê, với 8 nồng độ khác nhau.
Trong lúc kiểm tra, mùi hương có thể khiến mũi của bệnh nhân cảm thấy nồng nặc, hoặc có lúc không cảm nhận mùi gì cả. Kết thúc kiểm tra, khứu giác kế sẽ thực hiện phân tích các câu trả lời, tính toán kết quả và mức độ cảm nhận mùi hương của mỗi người bệnh, để bổ sung cho các xét nghiệm khác trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp cần điều trị lâu hơn nhằm tái tạo hoạt động của não.
Thùy Như