Nước súc miệng góp phần ngăn ngừa sâu răng, loại bỏ vi khuẩn, giảm khô miệng. Tuy nhiên, điều này chỉ phát huy hiệu quả khi sử dụng đúng cách.
Chia sẻ trên chuyên trang sức khỏe Live Strong, Tiến sĩ James E. Galati - Phó chủ tịch Hiệp hội Nha khoa New York (Mỹ) cho biết có năm sai lầm phổ biến trong thói quen sử dụng nước súc miệng hiện nay có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của các gia đình.
Dùng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng
Súc miệng bằng một số loại nước súc miệng ngay sau khi đánh răng có thể gây hại cho răng. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), nước súc miệng có tác dụng sát khuẩn, giúp nướu khỏe mạnh hơn nhưng sẽ làm giảm tác dụng của fluoride trong kem đánh răng.
Điều này không có lợi vì fluoride là chất cần thiết để củng cố và ngăn ngừa sâu răng. Do đó, thay vì sử dụng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng, hãy sử dụng nước súc miệng sau bữa ăn và trước khi đánh răng.
Ảnh minh họa
Với loại nước súc miệng chứa fluoride có tác dụng giúp hạn chế sâu răng, bạn có thể súc miệng sau khi sử dụng chỉ nha khoa và đánh răng. Tiến sĩ Galati cho biết điều này sẽ giúp fluoride trong nước súc miệng phủ lên răng đã được làm sạch.
Ông cho biết thêm, để thực sự giúp fluoride phát huy tác dụng kỳ diệu của nó, đừng ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong ít nhất 30 phút sau khi súc miệng.
Chọn sai loại nước súc miệng
Không phải tất cả nước súc miệng đều giống nhau. Nước súc miệng có thể chứa nhiều hoạt chất khác nhau và nhiều thành phần không phù hợp với một số người.
Chẳng hạn, nước súc miệng sát khuẩn có chứa cồn thường làm mất nước trong khoang miệng. Vì vậy, nếu bạn gặp tình trạng như khô miệng, mô bị loét hoặc viêm trong miệng thì không nên sử dụng loại nước súc miệng có chứa cồn vì chúng có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Hơn nữa, nước súc miệng có chứa cồn có thể chống chỉ định đối với những người đang cai nghiện rượu vì cồn có thể khiến họ thèm rượu lại.
Tốt nhất, hãy nói chuyện với nha sĩ để được tư vấn loại nước súc miệng cụ thể dựa trên vấn đề tiềm ẩn hoặc tiền sử sức khỏe của bạn.
Ảnh minh họa
Dùng nước súc miệng thay vì đánh răng
Khi quá bận để đánh răng, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần súc miệng là đủ. Tuy nhiên, nước súc miệng không thay thế cho việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
Trên thực tế, nước súc miệng chỉ giúp loại bỏ một số mảng bám. Điều đó có nghĩa là bạn vẫn cần đánh răng để loại bỏ mảng bám, mảnh vụn thức ăn để bảo vệ răng và nướu.
Dùng nước súc miệng để trị hôi miệng
Nhiều người thường dùng nước súc miệng để che giấu mùi hôi miệng sau khi ăn những món có mùi khó chịu như tỏi, hành tây,... Tuy nhiên, nó chỉ khắc phục mùi hơi thở tạm thời, không thể giúp điều trị chứng hôi miệng mãn tính.
Hôi miệng có thể do lưỡi bẩn, sâu răng, chứng khô miệng. Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, trong một số trường hợp, chứng hôi miệng cũng có thể là dấu hiệu của trào ngược dạ dày, tiểu đường, bệnh gan hoặc thận.
Khi đó, nước súc miệng sẽ không giải quyết được những tình trạng tiềm ẩn này. Người bệnh nên đến nha sĩ khám và xác định nguyên nhân, từ đó giải quyết hôi miệng hiệu quả.
Ảnh minh họa
Dùng nước súc miệng hơn 2 lần/ngày
Tiến sĩ Galati cho biết: “Việc lạm dụng nước súc miệng có chứa cồn có thể khiến miệng bị khô, gây kích ứng mô và thúc đẩy tích tụ mảng bám. Các mảng bám này có thể dẫn đến sâu răng và bệnh nướu răng”.
Vì vậy, súc miệng quá nhiều sẽ cản trở nỗ lực vệ sinh răng miệng của bạn. Các chuyên gia răng miệng khuyên mọi người chỉ nên dùng nước súc miệng tối đa hai lần mỗi ngày, vào buổi sáng trước khi đánh răng và một lần vào buổi tối, sau bữa ăn.