Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.
Có biểu hiện buông lỏng
Theo đó, hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trong thời gian vừa qua rất phức tạp, có nhiều thời điểm dư luận rất bức xúc, phản ánh liên tục về hoạt động này.
Nguyễn Hữu Chính, "ông trùm" khai thác khoáng sản trái phép tại Hàm Tân bị bắt giam vào tháng 4-2024.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Trong đó, có một số địa phương có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trong thời gian dài.
Để nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Giám đốc và Phó Giám đốc Sở TN&MT phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tái diễn tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh phức tạp như thời gian vừa qua.
Công an khám nghiệm hiện trường một điểm khai thác khoáng sản trái phép tại Hàm Tân.
Giám đốc Công an tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Danh sách đen các công ty vi phạm
Theo báo cáo của Sở TN&MT, đến nay đã đưa 30 tàu gắn máy hút cát ra khỏi lòng hồ Biển Lạc thuộc huyện Tánh Linh giáp ranh với huyện Đức Linh. Riêng khu vực nghiền, tuyển rửa thu hồi vàng tại xã Phan Sơn, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can...
Công an triệt phá điểm khai thác vàng trái phép tại huyện Bắc Bình.
Trong tháng 6-2024, Sở TN&MT đã ban hành kết luận thanh tra và chuyển hồ sơ của Công ty TNHH Sản xuất – Dịch vụ - Thương mại Long Thái Việt do ông Trần Văn Thuận làm Giám đốc và Công ty TNHH Phương Nam – Bình Thuận do bà Nguyễn Thị Thúy Nga làm Giám đốc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra, làm rõ.
Ngày 3-4-2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân đã khởi tố bị can để điều tra về các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản trái phép của ông Nguyễn Hữu Chính tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân.
Đối với trường hợp của ông Trần Văn Thuận, theo báo cáo của UBND huyện Hàm Tân, đã hoàn thiện hồ sơ kiểm tra hiện trạng tại các thửa đất tác động khai thác khoáng sản trái phép, đã xác minh chủ sử dụng đất, khối lượng, diện tích khu vực đất đã bị khai thác, đối tượng khai thác khoáng sản trái phép và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân để điều tra, xử lý.
Đối với hoạt động khai thác, tập kết, tuyển rửa cát xây dựng trái phép tại khu vực Dốc Đá, xã Phan Lâm, UBND huyện Bắc Bình đã xử lý vi phạm khu vực này về hành vi đất đai. Hiện Công an huyện đang phối hợp Chi cục Thuế Bắc Bình - Tuy Phong xác minh các hóa đơn, chứng từ để xử lý tiếp theo.
Một điểm khai thác khoáng sản trái phép tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân.
Đối với các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh cấp phép, qua công tác thanh, kiểm tra, đến nay Sở TN&MT đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh,
Thanh tra Sở ban hành 34 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 2,5 tỉ đồng; hiện đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý đối với 6 trường hợp (Công ty TNHH Phương Nam Bình Thuận, Công ty TNHH Long Thái Việt, Công ty TNHH Đầu tư Khai thác Khoáng sản Hoàng Long, Công ty TNHH Việt Xanh, Công ty TNHH Sơn Thắng, DNTN Tuấn Tú) liên quan đến hành vi khai thác ra ngoài phạm vi thuê đất, chưa lắp đặt trạm cân và camera giám sát...
“Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế tình trạng khai thác, vận chuyển, tiệu thụ khoáng sản trái phép vẫn còn lén lút diễn ra ở một số nơi, nguyên nhân do thời gian qua nhu cầu vật liệu phục vụ thi công, xây dựng các công trình, dự án trong và ngoài tỉnh ngày càng tăng, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng...
Bên cạnh đó công chức quản lý nhà nước về khoáng sản ở địa phương mỏng và làm nhiều công việc kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao” - Sở TN&MT nêu.
Tại huyện Tuy Phong hiện vẫn diễn ra tình trạng khai thác cát xây dựng tại khu vực thôn La Bá, xã Phong Phú; cát bồi nền tại xã Chí Công, xã Bình Thạnh; tình trạng các điểm tập kết trên địa bàn huyện tập trung tại các xã Phú Lạc, thị trấn Liên Hương và xã Hòa Minh.
Tại huyện Bắc Bình vẫn còn diễn ra tại khu vực đập 812, thôn Cà Lúc, Sông Tho thuộc xã Phan Sơn, Phan Lâm; khu 813 ha xã Bình An; Núi Hai, Núi Ông, khu trại vịt thuộc xã Bình Tân.
Địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc tình hình khai thác khoáng sản cát xây dựng, vật liệu san lấp tại xã Hàm Trí, xã Hàm Chính, xã Hàm Đức và xã Thuận Hòa thường xuyên xảy ra trong thời gian gần đây.
Địa bàn huyện Hàm Thuận Nam tình hình khai thác đất san lấp, sét gạch ngói, cát xây dựng vẫn còn diễn ra tại địa bàn xã Tân Lập, Tân Thuận, Thuận Quý, Hàm Minh và thị trấn Thuận Nam.
Địa bàn thị xã La Gi tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra tại khu vực giáp ranh với huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Tân.
Địa bàn huyện Tánh Linh tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp nổi lên ở một số địa phương như: xã Gia An, Gia Huynh, thị trấn Lạc Tánh và các khu vực giáp ranh với các huyện Đức Linh, Xuân Lộc (Đồng Nai).
Địa bàn huyện Đức Linh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn thường xuyên xảy ra tại Trà Tân, Vũ Hòa, Tân Hà, Võ Xu, Đức Tín, ĐaKai…
PHƯƠNG NAM
Nguồn plo.vn
Link bài gốchttps://plo.vn/nhieu-doanh-nghiep-khai-thac-khoang-san-trai-phep-tai-binh-thuan-post803033.html