ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại Thuốc lá (Bộ Y tế) chia sẻ tại toạ đàm.
Diện tích trồng thuốc lá ở Việt Nam 13.800 hecta
Tại Việt Nam, cây thuốc lá thường được trồng nhiều ở một số tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh… với tổng diện tích 13.800 hecta, hằng năm giải quyết công ăn việc làm cho 90.000 bà con nông dân. Cây thuốc lá được đánh giá là một trong những cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân vùng núi vươn lên thoát nghèo. Do vậy với chủ trương tăng thuế thuốc lá, nhiều chuyên gia lo ngại về vấn đề việc làm cho người nông dân.
Trước những lo lắng này, ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại Thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, trồng cây thuốc lá tiêu tốn một lượng thuốc trừ sâu rất lớn gây ảnh hưởng đến đất và môi trường. Vì vậy, dù hiệu quả kinh tế mang lại tương đương với các loại cây trồng khác cũng không chấp nhận trồng cây thuốc lá.
Hiện nay ở việt nam, sản xuất thuốc lá chịu mức thuế thấp vì vậy tăng thuế nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá chưa cao. Theo WHO, năm 2021, khoảng 41,3% nam giới Việt Nam sử dụng thuốc lá, nằm trong top thế giới, dẫn tới nhu cầu cao về nguyên liệu thuốc lá để sản xuất sản phẩm thuốc lá để xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
ThS. Phan Thị Hải khẳng định, để giảm tỷ lệ hút thuốc, biện pháp tăng thuế thuốc lá là ưu tiên hàng đầu hiện tại, tuy nhiên song song với đó cần nghiên cứu để dần chuyển đổi mô hình cây trồng cho người nông dân. Việc chuyển đổi hẳn sẽ áp dụng cho giai đoạn sau, khi việc tăng thuế thuốc lá đã làm giảm một cách có hiệu quả tỷ lệ và nhu cầu sử dụng thuốc lá.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia ThS. Đào Thế Sơn – Tổ chức Y tế Cộng đồng Toàn cầu (Vital Strategies), tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất, ông cho rằng thời gian tăng thuế với thuốc lá của Việt Nam khá dài, mỗi lần tăng không nhiều nên chính sách thuế không có tác dụng.
“Nói đến sức khỏe, nhiều người nghĩ đến những ca do tai nạn, những số liệu dễ thấy, tuy nhiên số người chết vì thuốc lá còn cao hơn, như vậy càng không thể trì hoãn việc tăng thuế thuốc lá. Việc này không gây tác động lớn tới mức làm doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp và người dân có thể tự điều chỉnh sang chiến lược hoặc hướng kinh doanh mới”, ThS. Đào Thế Sơn cho hay.
Quang cảnh buổi tập huấn
Chuyển đổi cây trồng để giảm diện tích trồng thuốc lá
Thời gian qua, Quỹ Quỹ Phòng chống tác hại Thuốc lá phối hợp với Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Viện Quy Hoạch và Thiết Kế Nông Nghiệp thực hiện nghiên cứu và thí điểm tại một số khu vực cho người trồng cây thuốc lá.
Giai đoạn 2024 – 2025 đã thí điểm chuyển đổi cây trồng ở tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Tây Ninh. Theo đó, các loại cây được chuyển sang thay thế cây thuốc lá là cây ớt, cây ngô lai sinh khối và cây ngô lai F1.
“Kết quả cho thấy qua thí điểm tại Tây Ninh cho lợi nhuận đạt 60 triệu/ha/năm khi trồng ngô sinh khối, cao hơn 1,3 lần so với trồng cây thuốc lá, giống ngô F1 cho lợi nhuận 62tr/ha/năm. Mô hình trồng ớt tại Lạng sơn sẽ đánh giá vào tháng 5 năm nay”, bà Phan Thị Hải cho biết.
Trên cơ sở các nghiên cứu trên, bà Hải cho biết chuyển đổi cây trồng là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng vào triển vọng của giải pháp với điều kiện mức độ cam kết của người dân đạt mức cao và chính quyền địa phương đưa ra được giải pháp và chính sách thích đáng.
Ths.Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế): Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Trong thuốc lá chứa 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có 69 chất gây ung thư, thuốc lá là thủ phạm của ít nhất 25 loại bệnh như ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.
Nguồn giaoducthoidai.vn
Link bài gốchttps://giaoducthoidai.vn/nhieu-bien-phap-de-giam-dien-tich-trong-thuoc-la-post729465.html