Bệnh nhân tiểu đường thường buộc phải kiểm tra lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày, nhưng không phải ai cũng cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ, một phần vì tự chích kim tiêm rất đau đớn và khó chịu.
Ngoài ra còn có một phương pháp khác - quang phổ Raman, một công nghệ không xâm lấn xác định thành phần hóa học của các mô nhờ ánh sáng của phổ hồng ngoại gần.
Các chuyên gia ở Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã thực hiện một bước quan trọng theo hướng này, chứng minh khả năng đo trực tiếp nồng độ glucose qua da. Cho đến nay, chỉ số này phải được tính toán gián tiếp, dựa trên việc so sánh tín hiệu Raman với các phép đo kiểm soát lượng đường trong máu.
Tia laser của máy quang phổ Raman có thể xâm nhập vào các mô chỉ vài milimet, vì vậy, trước tiên, các nhà khoa học từ MIT đã tìm ra cách so sánh mức độ glucose trong dịch chứa các tế bào da với nồng độ glucose trong máu.
Tuy nhiên, vẫn còn một khó khăn nữa. Tín hiệu do glucose tạo ra bị nhiễu bởi các thành phần khác của mô da: protein, lipid và collagen. Giải pháp là một phương pháp cải tiến cho phép nhìn thấy tín hiệu glucose một cách gián tiếp, đồng thời lọc được nhiễu.
Các thử nghiệm được tiến hành trên lợn cho thấy sau 10 - 15 phút hiệu chuẩn, có thể nhận được dữ liệu về nồng độ glucose trong một giờ. Độ chính xác của dữ liệu này phù hợp với xét nghiệm máu.
Giáo sư Peter So, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã có thể quan sát trực tiếp tín hiệu glucose từ các mô đi xuyên da, không cần nhiều tính toán và trích xuất tín hiệu phức tạp.
Vũ Trung Hương