Trong bài viết trước, Báo Tri thức và Cuộc sống đã nêu thông tin phản ánh của người dân cho biết, trên địa bàn xã Đại Thành giáp ranh với xã Tân Phú, huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) đang tồn tại một cơ sở giết mổ gia súc không phép, hoạt động không đảm bảo vệ sinh thú y, nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Cơ sở mổ gia súc không phép là của ông Đặng Văn Tr. (người dân xã Tân Phú), đã hoạt động khoảng 7 năm nay.
Thời điểm 3h sáng ngày 22/10/2024, cơ sở giết mổ không phép bật đèn điện sáng trưng, bên trong có khoảng 5 người đang tập trung giết mổ lợn.
Được biết, khu đất mà ông Đặng Văn Tr. đang sử dụng làm lò mổ được thuê lại của ông Trần Văn Th. (người dân xã Đại Thành).
Tại thời điểm ngày 23/10, ông Trần Văn Th. (chủ đất) xác nhận với phóng viên rằng đang cho ông Đặng Văn Tr. thuê lại đất để làm lò mổ này.
Chất thải từ cơ sở giết mổ không có hệ thống thu gom, được xả trực tiếp ra môi trường qua một đường rãnh.
Nhằm tìm hiểu đa chiều, khách quan các thông tin liên quan, trưa 24/10, PV đã liên hệ và có cuộc trao đổi với bà Tống Th.N. - giới thiệu là vợ của ông Đặng Văn Tr. (chủ cơ sở giết mổ gia súc).
Bà N. cho biết do hoàn cảnh các con cháu trong nhà chưa kiếm được việc làm nên cho làm tạm “lò” mổ. Cơ sở đã hoạt động giết mổ gia súc nhiều năm. Trước kia, chỉ mổ mỗi trâu, bò, mới chuyển sang mổ lợn, và mỗi ngày mổ khoảng 2-3 con lợn.
Phóng viên đề cập đến thông tin hoạt động giết mổ gia súc, “lò” mổ, vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hay chưa, bà Tống Th.N chỉ nói rằng có giấy phép kinh doanh, nhưng hẹn cung cấp cho phóng viên sau vì đang ở xa.
Do không thấy bà N., phản hồi lại, sáng ngày 28/10, PV liên hệ lại với ông Đặng Văn Tr. (chủ lò mổ, chồng bà N.), và được ông Tr., cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 01004472800, do Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Quốc Oai cấp cho ông Đặng Văn Tr., lần đầu ngày 13/2/2020, đăng ký thay đổi lần 1 vào ngày 9/4/2024.
Trong các ngành nghề đăng ký kinh doanh có giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, ngành nghề đăng ký kinh doanh chính lại là bán lẻ hàng tạp hóa, đường, sữa và các sản phẩm sữa, bánh, mứt, kẹo và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, bột, tinh bột.
PV đề cập đến thông tin địa điểm giết mổ gia súc đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hay chưa, ông Tr. cho biết, trước đây ông kinh doanh "lò" mổ ở địa điểm xã Tân Phú và mới chuyển sang bên đất Đại Thành. Tại địa điểm giết mổ mới này, chỉ dựng tạm lên để con trai làm.
Cơ sở mổ gia súc của ông Tr., nằm sát gần với nghĩa trang.
Liên quan đến sự việc, trước đó sáng 23/10, ông Nguyễn Công Thanh - Chủ tịch UBND xã Tân Phú (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) cho biết, về việc này, UBND xã Tân Phú đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai xuống kiểm tra, xử lý.
Sau đó, cơ sở giết mổ không phép của ông Đặng Văn Tr., dừng hoạt động được 2 tháng. Khoảng 10 ngày nay, cơ sở bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng ông Tr. tiến hành giết mổ gia súc trên phần diện tích đất thuộc địa phận xã Đại Thành (cơ sở mổ nằm trên đất giáp ranh giữa xã Đại Thành và Tân Phú - PV), vì vậy, thẩm quyền xử lý thuộc về xã Đại Thành.
Cùng ngày, phóng viên đã liên hệ và làm việc với ông Vương Sỹ Trung - Chủ tịch UBND xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Tại buổi làm việc, ông Trung tiếp nhận các thông tin phản ánh, và cho biết sẽ xử lý, dẹp bỏ cơ sở giết mổ trái phép này.
Chủ tịch xã Đại Thành đồng thời cử cán bộ địa chính-môi trường xã cùng phóng viên trực tiếp xuống hiện trường để ghi nhận. Thời điểm này, cơ sở giết mổ khóa trái cửa bên ngoài, bên trong không có ai, cũng không có gia súc.
Theo Thông tư 13/2017/TT-BNNPTNT có quy định về địa điểm cơ sở giết mổ gia súc gia cầm như sau:
2.1.1. Phải nằm trong quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
2.1.2. Phải cách biệt tối thiểu 500m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt.
2.1.3. Phải cách biệt tối thiểu 01 km với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm như bãi rác, nghĩa trang, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại.
Khu vực giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc gia cầm cần đáp ứng cơ sở vật chất như thế nào?
Căn cứ tại tiểu tiết 2.2.2.3 tiết 2.2.2 Tiểu mục 2.2 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung ban hành kèm theo Thông tư 13/2017/TT-BNNPTNT có quy định về cơ sở vật chất tại khu vực giết mổ như sau:
Mái hoặc trần của khu vực giết mổ phải kín, được làm bằng vật liệu bền, không bị dột, không thấm nước; Tường phía trong khu vực giết mổ làm bằng vật liệu chắc chắn, bền, nhẵn, chống ẩm mốc, dễ làm sạch; xây nghiêng hoặc ốp lòng máng nơi tiếp giáp giữa mặt sàn và tường;
Khoảng cách từ sàn đến mái hoặc trần tối thiểu là 3,6 m tại nơi tháo tiết; 4,8 m tại nơi đun nước nóng và làm lông (đối với cơ sở giết mổ lợn, dê, cừu); 3,0 m tại nơi pha lóc thịt; Có khoảng cách từ thiết bị treo đến trần hoặc mái ít nhất là 1,0 m;
Khu vực giết mổ gia súc phải có giá treo hoặc giá đỡ để bảo đảm thân thịt cao hơn mặt sàn ít nhất 0,3 m; Khu vực giết mổ gia cầm phải có bàn hoặc bệ lấy phủ tạng, chiều cao của bàn, bệ lấy phủ tạng ít nhất 0,9 m và làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, dễ làm sạch và khử trùng;
Sàn khu vực giết mổ phải làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, chống trơn trượt, dễ làm sạch và khử trùng; Mặt sàn phẳng, dốc về phía hệ thống thu gom chất thải, bảo đảm thoát nước tốt và không đọng nước trên sàn;
Phải lắp đặt các lưới chắn hoặc dụng cụ tương tự trên sàn nhà để bảo đảm không lọt chất thải rắn trong quá trình sản xuất xuống đường thoát nước thải; Khu vực giết mổ phải đặt dụng cụ chứa đựng chất thải rắn phù hợp tại nơi phát sinh chất thải; Phải có nắp đậy cho các thùng đựng phế phụ phẩm và ghi nhãn theo chức năng sử dụng (màu sắc, ký hiệu);
Nơi làm sạch lòng, dạ dày phải tách biệt với nơi để tim, gan, thận và thịt, bảo đảm không làm vấy nhiễm chéo; Nơi làm sạch và khám thân thịt gia cầm phải bảo đảm thoáng mát, hợp vệ sinh, có lưới chống côn trùng và động vật gây hại;
Có vật dụng chứa thân thịt chưa sạch lông, dính dị vật, bị trầy xước hoặc không đáp ứng yêu cầu, chờ xử lý; Có bàn để kiểm tra thân thịt hoặc bố trí nơi khám thân thịt tại cuối dây chuyền giết mổ treo
Khu vực giết mổ phải có hệ thống bồn rửa tay cho công nhân, bồn rửa và khử trùng dụng cụ giết mổ phù hợp với quy trình giết mổ; Khu vực giết mổ phải có thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại được làm bằng các vật liệu không gỉ, dễ tháo rời để làm vệ sinh, thiết kế phù hợp, đảm bảo phòng chống hiệu quả côn trùng và động vật gây hại;
Trong khu vực giết mổ không được sử dụng thuốc hoặc động vật để diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại.
Yêu cầu đối với hệ thống thu gom chất thải tại cơ sở giết mổ gia súc gia cầm:
Căn cứ tại tiểu tiết 2.2.2.6 tiết 2.2.2 Tiểu mục 2.2 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung ban hành kèm theo Thông tư 13/2017/TT-BNNPTNT có quy định về hệ thống thu gom chất thải như sau:
Hệ thống thoát nước thải, thu gom và xử lý chất thải phải thiết kế để bảo đảm dòng chảy của cống thoát nước thải trong khu vực giết mổ chảy từ khu sạch đến khu bẩn;
Đường thu gom nước thải nơi nhập động vật, nơi nhốt giữ động vật để đổ thẳng vào nơi xử lý chất thải lỏng, các đường thoát nước thải này không được chảy qua khu vực giết mổ;
Công suất hệ thống thu gom và xử lý nước thải phù hợp với lượng nước thải phát sinh của cơ sở; Cống thoát nước thải phải có nắp bảo vệ và kích thước phải đủ công suất thoát nước, không gây tình trạng bị ứ đọng hoặc tắc;
Cửa xả nước thải thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, lấy mẫu; Lưới chắn rác, bể tách mỡ và bể lắng cặn được đặt ở các vị trí phù hợp của hệ thống thu gom nước thải.
Nguồn kienthuc.net.vn
Link bài gốchttps://kienthuc.net.vn/xa-hoi/lo-giet-mo-gia-suc-khong-phep-o-nhiem-chu-co-so-noi-gi-2045308.html