Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng. Trong đó, đoạn trên cao dài 8,5km từ Nhổn đến Cầu Giấy, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ đầu tháng 7.2024.
Dự án này sử dụng vốn ODA của 4 nhà tài trợ gồm: Chính phủ Pháp (DGT), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn trong nước.
Sau khi đưa vào khai thác, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị thứ hai của Hà Nội, cùng với Cát Linh - Hà Đông
Nhằm góp phần bảo đảm mỹ quan tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, công đoàn và đoàn thanh niên Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp tổ chức chiến dịch "Metro Zero Waste - Hành trình xanh, hành động sạch" với mục đích dọn rác thải tồn đọng tại khu vực các ga trên cao thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Chiến dịch kết hợp công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ môi trường. Chiến dịch cũng là một trong những hoạt động trọng điểm hướng tới sự kiện vận hành dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội tới đây.
Các nhà ga trên tuyến được xây dựng đẹp và hiện đại, với thiết kế hình cánh chim hòa bình, hệ thống thảm cây xanh hai bên. Sau khi được đưa vào khai thác, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị thứ hai của Hà Nội, cùng với Cát Linh - Hà Đông.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã đạt tiến độ tổng thể 78,52% giá trị hợp đồng (tăng hơn 1% so với tháng trước). Hiện nay, công nhân đang tập trung thi công kết cấu khu vực ga ngầm để chuẩn bị cho máy khoan hầm robot làm việc.
Nhà thầu dự kiến vận hành robot khoan hầm công nghệ (TBM) trong quý 2/2024. Bộ đôi robot công nghệ này được nhập từ Đức về Việt Nam để làm đường hầm dài 4,5km của tuyến đường sắt Nhổn ga - Hà Nội. Mỗi máy có chiều dài hơn 90m, nặng khoảng 850 tấn, đủ để chứa thiết bị và công nhân vận hành.
Việc đưa robot vào thi công sẽ đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tính chính xác, giảm thiểu tác động tới môi trường xung quanh. Trong quá trình robot đào hầm, nhà thầu sẽ đặt các bộ đo cảm biến ở phía trên, nếu các bộ đo cảm biến này cảnh báo về độ rung lắc... vượt mức cho phép thì máy sẽ tạm dừng đào để xử lý.
Hiện tại, công tác nghiệm thu, bàn giao đang được chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tham gia, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ đảm bảo kế hoạch sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đối với đoạn tuyến ngầm gồm gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm) sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đến nay tiến độ đạt 42,22%. Các đơn vị liên quan đang tập trung đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý 2/2024.
Về gia hạn hiệp định vay, đến nay đã có 3/4 hiệp định vay được gia hạn. Cụ thể, Bộ Tài chính đã ký thỏa ước sửa đổi với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), hợp đồng cấp vốn sửa đổi với Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và thỏa ước vay sửa đổi với Chính phủ Pháp (DGT). Ngoài ra, Bộ Tài chính và nhà tài trợ ADB đang hoàn thiện các thủ tục để ký kết phân bổ vốn vay.
Nguồn 1thegioi.vn
Link bài gốchttps://1thegioi.vn/hon-mot-thang-nua-ha-noi-se-co-tuyen-duong-sat-do-thi-thu-hai-217493.html