Mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực của ngư dân, góp phần thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường biển. Theo đó, sau mỗi chuyến đi biển, ngư dân không chỉ mang về cá, tôm mà còn chở theo rác thải về bờ để tập trung xử lý.
Đưa rác về bờ - mô hình thiết thực bảo vệ môi trường biển ở Phú Yên
Tỉnh Phú Yên hiện có hơn 1.900 tàu cá đã được đăng ký trên hệ thống dữ liệu tàu cá quốc gia, trong đó có gần 660 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác thủy sản xa bờ. Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm toàn tỉnh đạt từ 65.000-67.000 tấn.
Hầu hết ngư dân chấp hành các quy định hoạt động trên biển. Tuy nhiên, một bộ phận ngư dân còn xả thải rác thải sinh hoạt ra môi trường biển.
Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên, mô hình “Ngư dân đưa rác thải về bờ” được triển khai thực hiện từ tháng 5/2024 tại 4 cảng cá lớn trên địa bàn tỉnh là: Đông Tác, Phú Lạc, Tiên Châu và Dân Phước.
Các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ngư dân thấy được tác hại của rác thải nhựa, từ đó ký cam kết thực hiện mô hình. Đến nay, tỉnh đã có 340 tàu cá cam kết tham gia thực hiện mô hình này.
Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên hỗ trợ mỗi tàu cá 2 túi lưới để đựng rác thải.
Tàu cá PY-90945TS do ngư dân Võ Quốc Nguyện làm thuyền trưởng cập cảng cá Đông Tác (thành phố Tuy Hòa, Phú Yên) sau hơn một tháng khai thác thủy sản trên biển.
Sau khi xuất bán hải sản, anh Nguyện đưa gần 10kg rác thải nhựa thu gom được trong thời gian hoạt động trên biển lên bờ. Sau đó, rác thải được đưa đến các thùng rác do Ban Quản lý cảng cá Đông Tác bố trí sẵn. Đây là chuyến đi biển thứ hai anh thực hiện việc đưa rác thải về bờ.
Anh Võ Quốc Nguyện cho biết trước đây, ngư dân khai thác thủy sản trên biển thường chỉ tập trung vào công việc mà ít quan tâm đến bảo vệ môi trường biển. Rác thải sinh hoạt như chai nhựa, vỏ lon, bao nylon, ngư cụ hay đồ dùng hư hỏng đều bị vứt xuống biển với số lượng lớn.
Sau khi mô hình “Ngư dân đưa rác về bờ” được triển khai thực hiện, ngư dân có ý thức hơn, hầu hết tàu cá hoạt động trên biển đều thực hiện việc gom rác thải về bờ sau mỗi chuyến đi biển.
Không chỉ riêng tàu cá PY-90945TS, nhiều tàu cá khác khi cập cảng cá Đông Tác đều đem rác thải vào bờ và đến điểm tập kết xử lý.
Các thùng rác tại điểm tập kết được phân loại đầy đủ để đựng rác thải nhựa, rác thải thông thường, rác thải độc hại. Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên sẽ đưa rác đến nơi tập trung để xử lý theo quy định.
Ngư dân Nguyễn Văn Trinh (phường 6, thành phố Tuy Hòa) cho biết: "Việc thu gom rác thải trên tàu cá của mình không có gì khó khăn. Mọi người chỉ cần nâng cao ý thức, giữ thói quen không bỏ rác xuống biển mà tập trung lại để đem vào bờ. Một số rác thải nhựa còn có thể sử dụng để tái chế, bán phế liệu. Mô hình này được triển khai thực hiện góp phần làm sạch môi trường biển, giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản."
Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên, mặc dù mới triển khai thực hiện mô hình “Ngư dân đưa rác về bờ” trong thời gian ngắn nhưng ngư dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng rất tích cực.
Mô hình “Ngư dân đưa rác về bờ” trong thời gian ngắn nhưng ngư dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng rất tích cực
Đến nay, ngư dân đã đưa về bờ khoảng 685kg rác, chủ yếu là rác thải nhựa, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển được nâng cao.
Cán bộ tại các cảng cá cũng chú trọng tuyên truyền và bố trí vị trí tập kết rác thuận lợi để ngư dân thực hiện. Mục tiêu phấn đấu của mô hình là có khoảng 500 tàu cá cam kết đưa rác thải về bờ.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi xả thải ra môi trường biển.
Mỗi ngư dân khi tham gia mô hình “Ngư dân đưa rác về bờ” chỉ thực hiện những hành động nhỏ nhưng đã góp phần rất lớn bảo vệ đại dương xanh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Nguồn suckhoemoitruong.com.vn
Link bài gốchttps://suckhoemoitruong.com.vn/dua-rac-ve-bo-mo-hinh-thiet-thuc-bao-ve-moi-truong-bien-o-phu-yen-24166.html