Bệnh nhân là anh Dương Hoàng T. (SN 2002, ngụ H.Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), nhập viện chiều 29.1.2020. Trước đó, bệnh nhân bị người khác đâm vào vùng ngực gây vết thương chảy máu nhiều, được xử trí khâu tạm vết thương chảy máu và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, da xanh, niêm nhạt, tay chân lạnh, mạch nhẹ, huyết áp khó đo. Thực hiện quy trình báo động đỏ bệnh viện nội viện, bỏ qua mọi thủ tục hành chánh, bệnh nhân được hồi sức khẩn cấp và chuyển thẳng lên phòng mổ tiến hành phẫu thuật khâu vết thương tim.
Ê kíp phẫu thuật do Ths.BS Trần Thanh Bình, phân khoa Lồng ngực mạch máu; BS.CK1 Lưu Tuyết Kiều, khoa Gây mê hồi sức, đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Khi vào phòng mổ mạch nhanh nhỏ, huyết áp khó đo. Các bác sĩ tiến hành mở đường trước bên ngực trái, vào khoang màng phổi không máu, nhưng màng tim căng phồng.
Ê kíp bác sĩ xử lý xẻ màng tim hút ra khoảng 200ml máu loãng và 200 gam máu cục. Kiểm tra thấy tổn thương tâm thất phải đường kính khoảng 0,8cm, khâu lại tâm thất phải, rửa sạch khoang màng tim và dẫn lưu khoang màng tim. Sau phẫu thuật: mạch rõ, huyết áp 120/70 mmHg. Thời gian phẫu thuật là 120 phút.
Đến chiều 30.1, bệnh nhân đã tỉnh, da niêm hồng, ống dẫn lưu ở màng tim còn ra dịch ít, mạch và huyết áp ổn định, không sốt, đã rút ống nội khí quản. Bệnh nhân được tiếp tục điều trị và theo dõi tại khu hậu phẫu của khoa Gây mê hồi sức.
Theo BS.CK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Gây mê hồi sức, vết thương tim do vật sắc nhọn là một trong những tối cấp cứu ngoại khoa. Đây là những tổn thương rất nghiêm trọng, có thể khiến ngừng tim nhanh chóng không thể hồi phục. Do đó ca phẫu thuật vết thương tim rất phức tạp, độ khó cao.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên các bác sĩ của bệnh viện cấp cứu và phẫu thuật thành công cho người bệnh có vết thương tim nguy kịch. Bởi bệnh viện có sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa: Cấp cứu, Gây mê, Xét nghiệm, Hồi sức sau mổ với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại và các bác sĩ phẫu thuật viên chuyên sâu về tim mạch và lồng ngực.
Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ: “Quy trình báo động đỏ bệnh viện'' là xử trí cấp cứu tối khẩn cấp. Mục đích cuối cùng khi thực hiện quy trình này là cứu sống được bệnh nhân, đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Khi quy trình báo động đỏ được khởi động nhiều thủ tục được đơn giản hóa, nhân viên y tế sẽ có cơ hội tiếp cận bệnh nhân trong vài phút.
Lợi thế quy trình “báo động đỏ” là huy động nhiều khoa, tập trung phương tiện, kỹ thuật cứu bệnh nhân trong thời gian vô cùng ngắn. Quy trình báo động đỏ mang lại cơ hội vàng, giúp hồi sinh các trường hợp bệnh nhân nguy kịch”.
Phong Phạm