Theo thông tin ban đầu, anh N.V.H. (26 tuổi, quê ở Gia Lai) trong lúc đang thi công một công trình trên địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM) bất ngờ té nhào từ trên giàn giáo rơi xuống đất va đập hông trái.
Sau đó nạn nhân bị đau bụng dữ dội, đau nhiều hạ sườn trái, mạch nhanh, huyết áp thấp rồi rơi vào tình trạng nguy kịch, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM).
Tại đây, các bác sĩ cho tiến hành làm các kỹ thuật cận lâm sàng và chụp CT Scan 160 lát, xác định bệnh nhân bị chấn thương vỡ lá lách độ IV, vỡ nhiều mảnh, có dấu hiệu chảy máu nhiều trong ổ bụng.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Châu - Tổng giám đốc hệ thống Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, với tình trạng này, nguy cơ cần phẫu thuật cắt bỏ lá lách để cầm máu bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân là rất cao. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát và can thiệp tim mạch đã hội chẩn, đánh giá tình trạng bệnh nhân nên đã quyết định áp dụng phương pháp can thiệp bít tắc động mạch lách để cầm máu và bảo tồn lách, giúp bệnh nhân trẻ tuổi giữ lại được lá lách của mình.
Kết quả chụp CT Scan cho thấy lá lách của bệnh nhân bị vỡ thành nhiều mảnh - Ảnh: BVCC
"Êkip can thiệp tim mạch chụp kiểm tra động mạch lách dưới DSA (chụp mạch máu xóa nền), xác định được vị trí động mạch tổn thương, chất tắc mạch được bơm vào gây bít tắc động mạch để cầm máu. Sau hơn 30 phút, các bác sĩ đã can thiệp thành công, kiểm tra hình ảnh sau can thiệp không ghi nhận hiện tượng xuất huyết. Đến chiều nay (22.10) bệnh nhân đã ổn định, giảm đau bụng, huyết áp ổn định, tiếp xúc tốt, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới”, bác sĩ Châu cho biết.
Cũng theo bác sĩ Châu, việc can thiệp nội mạch cầm máu điều trị chấn thương lách vỡ dưới máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền giúp người bệnh ít đau, thời gian hồi phục nhanh. Quan trọng nhất là, bệnh nhân có thể tránh được một cuộc phẫu thuật lớn, rủi ro mất máu, và bảo tồn được lách khi tuổi đời còn rất trẻ. Đây cũng là một kỹ thuật chuyên khoa sâu mà rất ít bệnh viện có thể thực hiện được.
Hồ Quang