Theo newsmir.info, Inna Finko, bác sĩ tiêu hóa tại Cơ quan sinh y liên bang Nga (FMBA), lưu ý rằng tất cả các tế bào của cơ thể con người có 2/3 là nước. Nước đảm bảo hoạt động bình thường của các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, thúc đẩy sự hấp thụ, vận chuyển, bài tiết các chất và cũng thực hiện nhiều chức năng khác.
Điều thú vị là nước uống từ các nhà sản xuất khác nhau có thành phần đặc trưng riêng, có nghĩa là nó ảnh hưởng đến cơ thể theo kiểu khác nhau. Các bác sĩ thường khuyên chúng ta mỗi ngày cần phải tiêu thụ 2-2,5 lít nước uống tinh khiết, nhưng phải tính đến thành phần hóa học của nước uống. Nước mỗi vùng đều độc đáo về thành phần vì nó không chỉ là một hợp chất H2O, nước còn chứa một lượng lớn các chất khoáng: canxi, kali, magiê, clo, flo, iốt và các chất khác.
Thay đổi nước uống trong một số trường hợp có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của cơ thể. Ở một số vùng, ví dụ, nước rất giàu magiê hoặc clorua. Ở những người không thích nghi, thành phần hóa học như vậy của nước có thể gây rối loạn đường tiêu hóa.
Ngoài ra, sự thay đổi độ axit và độ kiềm của nước có ảnh hưởng tiêu cực đến đường tiêu hóa. Hàm lượng sulfide tăng làm thay đổi mùi vị của nước góp phần vào sự xuất hiện của các kích ứng da. Sự gia tăng nồng độ flo khiến răng nhiễm fluor và hàm lượng flo thấp gây hại men răng. Bác sĩ Inna Finko cũng nhấn mạnh rằng thiếu coban dẫn đến thiếu máu. Một lượng lớn sunfat trong thành phần của nước sẽ gây rối loạn tiêu hóa, vì đây là thuốc nhuận tràng tự nhiên. Một hàm lượng canxi tăng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu, nhưng thiếu hụt canxi lại góp phần gây ra các bệnh của hệ tim mạch. Chính vì thế mà chúng ta phải tính đến thành phần hóa học của nước uống.
Vũ Trung Hương