Theo BS-CK2 Lâm Chánh Thi - Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ), chảy máu mũi là tất cả các trường hợp chảy máu từ mũi, vòm xuống họng hoặc mũi trước. Đây là một trong những ca cấp cứu hay gặp nhất trong chuyên khoa Tai Mũi Họng. Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi như bệnh toàn thân (tăng huyết áp, rối loạn đông máu…), do chấn thương vùng hàm mặt, khối u… hoặc nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân gọi là chảy máu mũi tự phát.
Phần lớn các trường hợp chảy máu mũi ở mức độ nhẹ và vừa, thường tự cầm hoặc điều trị nội khoa có thể khỏi. Tuy nhiên có một số trường hợp chảy máu mũi mức độ nặng hoặc tái phát nhiều lần nếu không xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Trong xử trí cần nhanh chóng đánh giá mức độ chảy máu, cầm máu, tìm vị trí và điều trị nguyên nhân. Điều trị chảy máu mũi đôi khi gặp khó khăn do khó xác định nơi chảy máu.
Như mới đây, sáng 25.3, BS-CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa can thiệp thành công 1 trường hợp chảy máu mũi tái phát, kéo dài 15 ngày.
Bệnh nhân là ông Phan Hồng V. (SN 1974, ngụ H.Châu Phú, tỉnh An Giang), nhập viện cách nay 5 ngày bởi đột nhiên chảy máu mũi bên trái không tự cầm. Bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang từ ngày 8 - 18.3, với phương pháp đốt cầm máu nhét spongel, nhưng sau đó vẫn bị chảy máu lại.
Các bác sĩ tiến hành nhét Sonde Foley mũi sau trái, nhưng tình trạng chảy máu mũi vẫn tái phát nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vào tối 18.3. Sáng 19.3. mũi bệnh nhân tiếp tục rỉ rả máu qua bấc mũi trước. Và các bác sĩ hội chẩn chảy máu mũi chưa rõ nguyên nhân tái phát nhiều lần, hiện còn đang diễn tiến.
Hội chẩn chuyên khoa với các bác sĩ Khoa Can thiệp mạch máu, bệnh nhân được chỉ định chụp và can thiệp mạch máu mũi số hóa nền (DSA). Kết quả chụp DSA: bệnh nhân bị tổn thương dạng túi nằm ở nhánh xuất phát từ động mạch mắt trái, kích thước 2mm. Thoát mạch vùng mũi xuất phát từ động mạch hàm dưới phải. Bệnh nhân được làm tắc mạch hoàn toàn động mạch gây thoát mạch.
Sau tắc mạch, bệnh nhân ổn và không còn tình trạng chảy máu mũi. Thời gian thực hiện thủ thuật là 3 giờ. Ngày 25.3, bệnh nhân tỉnh táo, mũi ngưng chảy máu và đã được rút bỏ bấc mũi trước sau cả hai bên, sau rút bấc mũi ổn không còn ra máu. Bệnh nhân sinh hoạt bình thường.
Khi 1 bệnh nhân bị chảy máu mũi thì việc trước tiên là cần cầm máu, sau đó tìm nguyên nhân để điều trị. Các biện pháp cầm máu bao gồm: đè ép tại chỗ, nhét mèche mũi trước, nhét mèche mũi sau, đông điện dưới sự hướng dẫn của nội soi để cầm máu, thắt động mạch. Trong đó, can thiệp nút mạch dưới hướng dẫn của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) ngày càng được áp dụng nhiều bởi tính an toàn, tỷ lệ thành công cao và ít xâm lấn.
Phong Phạm