Cúi đầu mỗi khi gặp người lạ
Câu chuyện về chàng thanh niên 29 tuổi người dân tộc Dao ở Đắk Lắk luôn xa lánh mọi người, và mỗi khi gặp ai đó phải cúi đầu, nếu không thì nhiều người sẽ khóc thét vì kinh sợ, nhất là đối với trẻ em, đã khiến cho không ít người dân ở đây cảm thấy xót xa.
Năm 12 tuổi, Đặng Tòn P. (sinh năm 1990, tại Đắk Lắk, người dân tộc Dao) phát hiện trên mặt mình bắt đầu xuất hiện khối u nhỏ, sau đó cứ lớn dần. Những khối u này đua nhau lớn lên từng ngày, gây biến dạng vùng má, cằm, kéo trễ mi mắt, làm mắt phải mù do khối u chèn ép thần kinh thị giác, mắt trái thị lực kém khiến anh khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt hằng ngày.
Từ đó, mỗi khi ra đường P. gặp đứa trẻ nào thì đứa trẻ ấy đều hoảng hốt, thậm chí khóc òa vì sợ hãi khi đối diện với khuôn mặt biến dạng của anh. Mỗi khi đi học P. cũng không tránh khỏi tủi thân vì ánh mắt thiếu thiện cảm của bạn bè, thậm chí cả tiếng xì xào sau lưng bởi khuôn mặt “khiếp sợ” của mình.
Thời gian trôi đi, P. ý thức về khiếm khuyết trên khuôn mặt của mình cũng như thái độ của mọi người trong lần đầu tiếp xúc với anh. “Mỗi khi ra đường em phải cúi mặt xuống để mọi người không nhìn thấy khuôn mặt “khiếp sợ” của mình, nhất là các trẻ em. Mỗi lần chúng khóc thét, kêu gào khi nhìn thấy khuôn mặt của em là lòng em đau thắt rồi ứa nước mắt”, P. giãi bày.
Ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ đồng hồ với hy vọng đưa bệnh nhân trở lại khuôn mặt bình thường - Ảnh: K.O
Suốt 17 năm qua, P. sống trong nỗi cô đơn, sợ hãi vì bị mọi người xa lánh. Anh cảm thấy mình giống như một “tội đồ”. Vì thế lúc nào trong P. cũng nuôi một ước mơ làm sao để khuôn mặt của mình trở lại bình thường, làm sao để giải thoát khỏi những khối “da thừa” chảy xệ. Tuy nhiên nghĩ đến hoàn cảnh gia đình quá khốn khó, ước mơ của P. cũng tắt dần theo năm tháng.
...Như một phép màu
Vào một ngày giữa năm 2019, đoàn bác sĩ TP.HCM về khám từ thiện tại tỉnh Đắk Lắck, bất ngờ các bác sĩ trong đoàn từ thiện gặp P. Ban đầu mới nhìn thấy khuôn mặt của P. nhiều bác sĩ trong đoàn khám từ thiện cũng đã “hoảng hồn”.
TS.BS Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Đơn vị tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, thành viên trong đoàn bác sĩ từ thiện cho biết, sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định P. bị u bao sợi thần kinh vùng mặt, cộng với khối u chèn ép dây thần kinh thị giác làm mắt phải bị mù, mắt trái nhìn mờ khiến anh sinh hoạt khó khăn.
Bệnh nhân đã được đưa về Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để các bác sĩ ở đây thực hiện ca phẫu thuật với hy vọng giúp bệnh nhân thoát khỏi khuôn mặt “khiếp sợ” của mình.
Tuy nhiên, theo nhận định của bác sĩ Thanh, đây là một ca cực kỳ khó do nhiều dây thần kinh mạch máu ở mặt, khối u tập trung nhiều mạch máu tăng sinh. Việc phẫu thuật rất cân nhắc và cẩn trọng, nếu không nguy cơ chảy máu trong và sau mổ.
“Các phẫu thuật viên đã thực hiện kỹ thuật vi phẫu với kính lúp chuyên dụng. Kíp mổ đã phải rất thận trọng, nhẹ nhàng để cầm máu và phẫu thuật tạo hình. Sau 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn khối u sợi to bằng quả trứng, kích thước 4x6x4cm và điều chỉnh thu gọn da ở mặt, hốc mắt và má, cắt phần mí sụp để nâng cơ mắt, cải thiện nét thẩm mỹ cho gương mặt của bệnh nhân”, bác sĩ Thanh chia sẻ và cho biết, hiện sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã được tháo băng, vết thương vùng mặt khô và cơ thể đang dần bình phục.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, toàn bộ chi phí phẫu thuật, nằm viện, ăn uống đều được bệnh viện tài trợ. Trong tương lai, bệnh viện sẽ tiếp tục hỗ trợ phẫu thuật để người bệnh có được gương mặt tương đối, giúp hòa nhập với cộng đồng.
Khuôn mặt bệnh nhân sau khi được phẫu thuật đã không còn "khiếp sợ" nữa, nhưng còn phải tiếp tục thực hiện thêm những cuộc phẫu thuật khác để giúp khuôn mặt hoàn thiện hơn - Ảnh: K.O
"Chúng tôi rất vui vì đã giúp bệnh nhân có được gương mặt mới, xóa bỏ mặc cảm ngoại hình, có chất lượng sống tốt hơn sau khi phục hồi. Thành công từ ca phẫu thuật phức tạp này đã mang đến niềm tin, hy vọng cho nhiều người bệnh có cơ hội tiếp cận các kỹ thuật y khoa tiên tiến”, bác sĩ Trâm Em chia sẻ.
Theo các chuyên gia y tế, u bao sợi thần kinh là bệnh thuộc dạng di truyền do sự rối loạn nhiễm sắc thể của tế bào thần kinh tạo ra u trên các sợi thần kinh ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể: xương, mô mềm, da và hệ thần kinh. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là u tăng trưởng theo thời gian, dẫn đến tổn thương thần kinh.
Đến nay chưa có cách nào phòng ngừa được bệnh này, phương pháp điều trị hiệu quả là phẫu thuật cắt bỏ khối u gây chèn ép vào các cơ quan, ảnh hưởng đến chức năng sống và thẩm mỹ. Do đó, khi phát hiện có khối u, người bệnh nên đi khám và điều trị sớm, tránh để khối u phát triển quá lớn, dẫn tới việc có thể phải cắt bỏ toàn bộ phần cơ thể bị bệnh.
Hồ Quang