Nam thanh niên P.H.B. (32 tuổi, quê Cần Thơ) mắc bệnh cao huyết áp từ hơn 10 năm qua. Dù bị cao huyết áp nhưng B. vẫn không thấy có biểu hiện gì bất thường, anh vẫn có thể chơi thể thao bình thường. Tuy nhiên, cách đây 3 tháng, B. cảm thấy đau đầu, đo huyết áp ghi nhận quá cao, lên đến 220 mmHg.
Ngay lập tức bệnh nhân đã được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ). Tại đây, các bác sĩ tiến hành điều trị thuốc huyết áp và sau 8 ngày điều trị huyết áp có giảm nhưng vẫn còn cao ở mức 180mmHg.
Ngày 22.1, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, các bác sĩ ở đây đã tìm ra được nguyên nhân khiến bệnh nhân P.H.B. bị cao huyết áp và đã điều trị được dứt điểm căn bệnh này của bệnh nhân.
Theo bác sĩ Cường, sau khi điều trị bằng thuốc huyết áp nhưng tình trạng cao huyết áp vẫn còn cao, các bác sĩ đã tiến hành đo huyết áp ở cả tay và chân. Kết quả đo huyết áp ở tay và chân có sự chênh lệch lớn, trong đó huyết áp đo ở tay là 180/90mmHg, huyết áp chân 120/70mmHg (bình thường đo huyết áp ở tay, tuy nhiên một số trường hợp đo huyết áp ở chân sẽ phát hiện ra bệnh lý, nhất là bệnh nhân trẻ cần đo thêm ở chân để xem có dấu hiệu nào của tăng huyết áp thứ phát không).
Các bác sĩ tiếp tục siêu âm tim thì phát hiện, bệnh nhân bị hẹp eo động mạch chủ nặng; chụp CTScan ngực ghi nhận hẹp nặng động mạch chủ đoạn eo. "Đây là nguyên nhân gây ra căn bệnh cao huyết áp của bệnh nhân”, bác sĩ Cường nói.
Trước tình trạng trên, các bác sĩ ở đây đã tiến hành can thiệp nội mạch đặt stent để xử lý tình trạng hẹp eo động mạch chủ. “Ngay sau thời gian can thiệp kéo dài 1 giờ 30 phút, huyết áp bệnh nhân đã trở về bình thường. Sau can thiệp bệnh nhân chỉ cần nằm nghỉ tại giường 12-24 giờ. Sau đó có thể đi lại vận động nhẹ nhàng. Bệnh nhân được xuất viện sau can thiệp 3 ngày, kịp chuẩn bị đón tết với niềm vui khỏi bệnh”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện có dấu hiệu tăng huyết áp ở người trẻ hoặc tăng huyết áp không kiểm soát được bằng thuốc thì nên đi khám chuyên khoa để tầm soát và tìm các nguyên nhân tăng huyết áp.
Bác sĩ Cường cho biết, hẹp eo động mạch chủ là một bệnh cảnh xếp hàng thứ 6 trong nhóm bệnh tim bẩm sinh thường gặp như: thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, hẹp van động mạch phổi, tứ chứng fallot...
Bệnh hẹp eo động mạch chủ là bệnh lý bẩm sinh, diễn tiến âm thầm và khó phát hiện. Ở người trưởng thành, bệnh thường biểu hiện qua tình trạng huyết áp cao, khó kiểm soát.
Một dấu hiệu cần chú ý khác đó là tình trạng huyết áp đo ở tay cao hơn huyết áp ở chân rất nhiều. Bệnh sẽ gây ra tình trạng tăng huyết áp cao, nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não, suy tim, lớn tim, đau ngực, khó thở, vỡ động mạch chủ ngực.
Hồ Quang