Ngày 12.9, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho hay bệnh viện vừa phát hiện và điều trị thành công cho một bệnh nhân bị rò dịch não tủy gần 20 năm qua mà không bệnh viện nào phát hiện ra căn bệnh này.
“Đây là một trường hợp rất hy hữu về rò dịch não tủy sau tai nạn giao thông khó phát hiện. Bệnh nhân phải chịu đựng những triệu chứng khó chịu, đứng trước nguy cơ viêm màng não với thời gian rất dài. Các hình ảnh cận lâm sàng lại không rõ ràng khiến các bác sĩ rất dễ bỏ qua, điều trị sai hướng", TS-BS Nguyễn Thị Thanh Thúy - Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết.
Bệnh nhân là một phụ nữ 39 tuổi, quê ở tỉnh Khánh Hòa. Theo bệnh nhân, vào năm 2001 chị bị một tai nan giao thông làm chấn thương sọ não và được điều trị ở một bệnh viện địa phương. Sau khi xuất viện về nhà, chị thấy đau đầu, mất ngủ, người co giật, ảo giác rồi chảy dịch và mủ ở lỗ tai phải. Bệnh nhân được người nhà chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, sau khi chụp CT-Scan, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tụ máu bầm ở não và cho uống thuốc, nhưng sau đó bệnh nhân vẫn cảm thấy nhức đầu, hay sốt về chiều, chảy dịch và mủ ở tai phải.
Đến năm 2016, bệnh nhân quay lại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị thủng màng nhĩ phải và tiến hành mổ nội soi để vá màng nhĩ nhưng sau đó bệnh nhân vẫn đau đầu, nhức đầu hơn, chóng mặt, ngủ hay bị ảo giác, mờ mắt phải, cứng hàm phải, ăn uống kém.
Sau đó, bệnh nhân đến rất nhiều bệnh viện ở trong Nam và ra cả ngoài Bắc khám và điều trị. Tất cả các bệnh viện đều chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tai giữa, cho uống thuốc kháng sinh và thuốc nhỏ lỗ tai nhiều năm liền. Có một số bệnh viện chụp CT-Scan nhưng không phát hiện gì, chỉ nói bệnh nhân bị viêm tai giữa tái phát, có nơi còn nói bị bệnh viêm xoang, nhưng điều trị bệnh vẫn không thuyên giảm.
“Nhiều lúc đau đầu, chóng mặt, co giật... gia đình cứ nghĩ bị bệnh thần kinh do hậu quả của tai nạn giao thông trước kia để lại, nên tôi đành cắn răng chịu đựng những cơn đau”, nữ bệnh nhân cho biết.
Tuy nhiên, mới đây bệnh nhân thấy tai phải tiếp tục chảy dịch, nhức đầu, ảo giác ngày càng nhiều nên đã tìm đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tai giữa mạn tính thủng nhĩ tai phải. Các bác sĩ cho bệnh nhân uống thuốc kháng sinh 1 tuần thì tai phải khô, không còn chảy dịch nữa nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục than đau đầu nhiều, mờ mắt phải, hàm răng trên đau buốt.
Bác sĩ Thúy cho biết qua chụp CT-Scan tai thì vẫn không phát hiện tai của bệnh nhân có gì bất thường. Tuy nhiên bệnh nhân khai đã từng vá màng nhĩ do tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật mở sào bào thượng nhĩ để xem như thế nào.
"Sau khi khoan vào sào bào, ê kíp phẫu thuật thấy một ít mô sùi nên đã tiến hành gỡ mô sùi và tiếp tục khoan lên thượng nhĩ thấy có mô sùi nên tiếp tục gỡ mô sùi. Lúc này ê kíp mổ quan sát thấy vùng màng não phía sau trên mất xương một vùng khoảng 1 x 2cm. Các bác sĩ tiến hành đặt mảnh vá underlay trên cán búa. Trước khi chuẩn bị đóng hố mổ, ê kíp phẫu thuật dùng kính hiển vi kiểm tra thì phát hiện từ góc sau dưới chỗ khuyết xương đang chảy dịch. Chúng tôi tiến hành tạo vạt cân cơ thái dương từ phía sau chèn vào dưới khung xương che chỗ mất xương màng não. Tuy nhiên vì chỗ khuyết xương rộng nên dịch não tủy vẫn tiếp tục chảy ra. Các bác sĩ phải tiến hành tạo vạt cân cơ thái dương từ phía trước chèn thêm vào hố mổ. Sau khi chèn 2 vạt cân cơ thái dương sau 15 phút thấy hố mổ khô, không còn chảy dịch não tủy, các bác sĩ tiến hành khâu da và băng ép”, bác sĩ Thúy chia sẻ và cho biết hiện sau 1 tuần phẫu thuật, bệnh nhân ăn uống bình thường, hết nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt phải và ngủ ngon giấc, tăng cân trở lại.
Qua trường hợp trên, PGS-TS-BS Trần Phan Chung Thủy- Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng khuyến cáo những bệnh nhân có các triệu chứng về tai mũi họng, nếu đã từng có tiền sử về chấn thương đầu thì nên tới bệnh viện khám và nói rõ để các bác sĩ có chẩn đoán và chỉ định điều trị thích hợp.
Hồ Quang