Theo người nhà của bé V. trước đó, người dì ruột của bé có mâu thuẫn với cha ruột của bé trong việc mượn, trả nợ nên đã mua xăng về nhà rồi tưới lên người bé trai này để châm lửa đốt. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Lê Lợi (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tuy nhiên, do tình trạng bỏng quá nặng, các bác sĩ ở đây đã chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
BS.CK2 Lê Phước Tân - Trưởng Khoa Bỏng chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bé N.T.V. được chuyển đến bệnh viện vào tối 23.2.2020 trong tình trạng bỏng nặng 50% độ 2-3 ở vùng mặt, ngực, mặt trước 2 cánh tay, mặt trước đùi trái và đã được truyền dịch và giảm đau từ tuyến dưới. Sau đó, bệnh nhi được chuyển vào cách ly tại khu bỏng, Khoa Bỏng chỉnh hình và tiến hành điều trị tích cực như cắt lọc, thay băng, bù dịch cho bệnh nhi.
"Hiện bé đã qua được giai đoạn đầu của sốc bỏng, không sốt, nước tiểu ổn, mọi chức năng đều bình thường”, bác sĩ Tân cho hay.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tân, hiện tình trạng của bệnh nhi đang diễn tiến, chưa thể đánh giá được toàn diện tổn thương. Bệnh viện sẽ nỗ lực hết sức để điều trị tích cực cho bệnh nhân; đồng thời sẽ mời khoa Mắt khám và đánh giá tổn thương ở mắt cho cháu bé. Bệnh nhi còn điều trị lâu dài, thời gian được tính bằng năm và phải trải qua nhiều lần phẫu thuật.
"Hiện còn quá sớm để có thể nói trước khả năng và thời gian hồi phục của cháu bé, vì nạn nhân đang còn ở giai đoạn đầu của tai nạn bỏng trong khi những ca như thế này phải trải qua 3 giai đoạn điều trị gồm: bù dịch chống sốc mất nước, chống nhiễm trùng và điều trị di chứng phỏng.
Vì tính chất của trường hợp này là bỏng xăng (thường nặng hơn so với bỏng nước sôi do xăng khi cháy có nhiệt độ rất cao, thường gây bỏng sâu), nên vết thương di chứng sau bỏng rất nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, vận động, thẩm mỹ, đặc biệt là tâm lý của bệnh nhân”, bác sĩ Tân chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Tân nhiều ca bỏng xăng dù được điều trị ngay vẫn có tỷ lệ thương tật nặng, cần điều trị lâu dài. Đặc biệt chỗ bỏng rộng có thể dẫn đến hoại tử thứ phát, độ bỏng sâu hơn, co kéo bề mặt da tạo sẹo xấu, sẹo dính gây hạn chế, khó khăn trong vận động. Nguy hiểm hơn, vết thương có thể bị nhiễm trùng gây nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa tạng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Đối với bỏng có 4 mức độ để đánh giá một tổn thương đó, trong đó bỏng độ 2 là tổn thương đã lan xuống lớp dưới của da; còn bỏng độ 3 là loại bỏng nặng, tổn thương lan đến những lớp da sâu hơn và có thể chạm tới cả mạch máu, xương, các cơ quan quan trọng trong cơ thể, có thể dẫn tới tử vong.
Hồ Quang