Ngày 27.9, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho hay các bác sĩ ở đây vừa điều trị dứt điểm tình trạng động kinh ở một bé gái 5 tuổi sau nhiều năm điều trị bằng thuốc tại một bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM vẫn không khỏi.
Bé gái này là cháu H.Q.H. (5 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nhập viện trong tình trạng cơn động kinh không kiểm soát. Qua điều tra bệnh sử cho biết, bé H. bị chứng bệnh động kinh vào năm 2016 và được người nhà chữa trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh viện này đã điều trị cho bệnh nhi với liều thuốc trị động kinh tăng dần và thay đổi nhiều nhóm thuốc khác nhau nhưng suốt 3 năm qua, nhưng bé vẫn không kiểm soát được cơn động kinh.
Cách thời gian nhập viện khoảng 1 tháng, ngày nào bé H. cũng lên cơn động kinh từ 2, 3 lần, kéo dài khoảng 10 - 20 giây. Tình trạng trên ngày càng nặng, gia đình liền đưa cháu đến Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị.
Tại đây, sau khi chụp MRI não, các bác sĩ phát hiện não của bé bị tổn thương xơ hóa mặt trong thùy thái dương trái. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị xơ hóa hồi hải mã thùy thái dương trái/ động kinh kháng trị.
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ ổ xơ hóa hồi hải mã thùy thái dương trái bằng vi phẫu, dưới hướng dẫn Navigation (hệ thống định vị không khung).
Sau khi phẫu thuật bệnh nhi tỉnh táo, không yếu liệt, không có cơn động kinh nào, vết mổ khô sạch, không sốt. Các bác sĩ tiến hành điều trị bằng thuốc Depakine 200mg. Sau đó, bệnh nhân giảm liều Depakine 100mg và dừng hẳn sử dụng thuốc này. Sau 2 tháng phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục chụp MRI não để kiểm tra thì phát hiện ổ xơ hóa hồi hải mã đã được cắt bỏ hoàn toàn.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ - khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bệnh động kinh có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật tuy là phương pháp ít phổ biến hơn, nhưng có thể mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, nhất là khi họ không còn đáp ứng tốt với bất kỳ phương pháp nội khoa nào khác.
Theo bác sĩ Sĩ, động kinh là bệnh lý xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não (chất xám) và gây ra sự phóng điện đột ngột, không kiểm soát.
Điều này đã làm xuất hiện các cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần với những thay đổi từ cảm giác, nhận thức đến hành vi vận động. Tần suất chung khoảng 4-10/1000 dân. Xuất hiện đều nhau ở cả nam và nữ. 50% ở trẻ dưới 10 tuổi và giảm dần theo tuổi.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh động kinh đều không rõ nguyên nhân, còn gọi là động kinh vô căn. Tuy nhiên cũng có một tỷ lệ khác do yếu tố duy truyền; bất thường về yếu tố hóa học trong não; mất cân bằng giữa chất dẫn truyền thần kinh dạng ức chế; tổn thương não bộ; sử dụng một số loại thuốc, hóa chất gây ảnh hưởng đến não...
Hồ Quang