Quy hoạch khoáng sản
Ngày 23/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 333/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch khoáng sản).
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra. Cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch.
Kịp thời phản ánh những vấn đề bất cập, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết phù hợp trong quá trình thực hiện Quy hoạch khoáng sản trên địa bàn địa phương quản lý.
Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là việc giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện Quy hoạch khoáng sản; nghiên cứu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện các công trình, dự án cấp bách, quan trọng thuộc nhóm ưu tiên như: công trình an ninh, quốc phòng, công trình hạ tầng, giao thông..., đặc biệt là các dự án đầu tư công, dự án huy động từ các nguồn lực xã hội, dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản gồm: giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp tài chính, đầu tư; giải pháp khoa học, công nghệ, môi trường; giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp huy động vốn; giải pháp huy động vốn.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản theo quy định của pháp luật trong phạm vi địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho Quy hoạch khoáng sản; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất dành cho hoạt động khoáng sản theo tiến độ của Quy hoạch khoáng sản. Rà soát các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương để quản lý đúng theo thẩm quyền, tránh chồng chéo về công tác quản lý giữa các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Quy hoạch khoáng sản.
Kịp thời phản ánh những vấn đề bất cập, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết phù hợp trong quá trình thực hiện Quy hoạch khoáng sản trên địa bàn địa phương quản lý. Kịp thời phản ánh những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện Quy hoạch khoáng sản trên địa bàn địa phương quản lý. Đẩy nhanh việc lựa chọn các nhà đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản để sớm triển khai khai thác, hoàn trả quỹ đất cho địa phương thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ động rà soát, báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các nội dung liên quan đến phương án bảo vệ, tập kết, lưu trữ khoáng sản thu hồi nhưng chưa sử dụng trong quá trình thi công dự án đầu tư theo quy định. Chủ động rà soát, báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét, quyết định hình thức hạn chế, cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản có tính chất đặc thù...
Nhiều mỏ có sự trùng lấn
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện việc rà soát Quy hoạch Khoáng sản trên địa bàn. Kết quả rà soát đã phát hiện ra nhiều mỏ khoáng sản chì, kẽm, sắt, vàng, Fluorit, thạch anh… (Danh mục khép góc các dự án của Quy hoạch khoáng sản) trên địa bàn có sự chồng lấn.
Có thể kể đến một số mỏ khoáng sản như: Về khoáng sản sắt, tọa độ, điểm mỏ và vị trí địa lý mỏ sắt Bản Phắng 2 bao gồm 02 khu vực: Khu 1 có điểm mốc từ 01 đến 23 với diện tích 420,9ha hiện nay trùng một phần diện tích với các công trình phụ trợ của Dự án đầu tư khai thác quặng sắt mỏ Bản Phắng 1 đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư năm 2018 và được UBND tỉnh Bắc Kạn giao đất để thực hiện dự án, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác năm 2020 và Giấy phép môi trường năm 2023.
Khu 2 có điểm mốc từ 1 đến 14 với diện tích 104,3ha trùng lấn với tọa độ diện tích mỏ sắt Bản Phắng 1 đã được được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác số 83/GP- BTNMT năm 2020.
Hình ảnh xe tắc tơ vận chuyển khoáng sản ra khỏi khư vực thăm dò Bó Nặm, xã Quảng Bạch (Chợ Đồn, Bắc Kạn).
Mỏ chì, kẽm Nam Chợ Điền, huyện Chợ Đồn, qua rà soát hiện trạng khu Bản Nhượng diện tích trùng lấn một phần diện tích với khu Nhà văn phòng của Chi nhánh kim loại màu Bắc Kạn - TMC (đang hoạt động) và một phần diện tích Nhà máy sản xuất bột kẽm ôxit Việt Thái, Khu di tích Nhà máy in tiền và một số công trình khác nằm trên địa bàn xã Bản Thi.
Mỏ chì, kẽm Đông Ba Bồ thuộc thị trấn Bằng Lũng và xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn diện tích 126ha: Trùng lấn một phần diện tích với Cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng.
Về khoáng sản vàng Mỏ vàng khu Khuổi Mạn thuộc các xã Bằng Thành, An Thắng, huyện Pác Nặm và xã Bành Trạch, huyện Ba Bể diện tích 522,8ha. Tuy nhiên, qua rà soát tọa độ ranh giới mỏ chỉ nằm trên diện tích xã An Thắng, huyện Pác Nặm và xã Bành Trạch, huyện Ba Bể và một phần thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, trong khu vực này trùng lần với quy hoạch một số mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn.
Mỏ thạch anh Bản Đăm, xã Đức Vân sau khi rà soát hiện trạng khu vực ranh giới mỏ khoáng sản trên với phần lớn diện tích trùng với đường giao thông Quốc lộ 3, khu dân cư, trạm y tế, trường học và đất giao thông, đất văn hóa xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn và khu du lịch sinh thái hồ Bản Chang,...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phúc Đán, Trưởng phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước (Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn) cho biết: "Các đơn vị chuyên môn cùng doanh nghiệp đã họp cùng Sở Công thương để cùng thống nhất ý kiến khi rà soát quy hoạch thấy có những điểm bị chồng lấn".
Ông Nguyễn Tiến Cương – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn cho biết: Sở Công thương cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa điểm mỏ đã quy hoạch vùng, nguồn nguyên liệu cho các nhà máy vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoạt động khoáng sản phù hợp với diện tích đất quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa các Quy hoạch địa phương.
Trên cơ sở kết quả rà soát và nội dung thống nhất giữa các sở ngành, địa phương, Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch khoáng sản với các trường hợp cụ thể. Ông Cương cho biết.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Nguyên Mạnh - Tuấn Linh
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/bac-kan-ra-soat-quy-hoach-tham-do-phat-hien-ra-nhieu-mo-khoang-san-bi-trung-lan-90789.html