Theo The Sun, vào tháng 4 tới, các nhà khoa học Anh ở 2 trường đại học Newcastle và Glasgow sẽ tiến hành một thử nghiệm độc đáo trị giá 2,8 triệu bảng Anh. Hiện họ đang tuyển dụng tình nguyện viên mắc bệnh tiểu đường thể 2 và béo phì để kiểm tra hiệu quả của chế độ ăn mới.
Theo các chuyên gia, chế độ ăn nhiều chất lỏng này sẽ cho phép giảm cân ổn định và khiến bệnh tiểu đường thuyên giảm.
Dự kiến 5.000 tình nguyện viên từ tháng 4 năm 2020 sẽ bắt đầu ăn thực phẩm lỏng, nhận được tổng cộng không quá 800 calo mỗi ngày.
Phải nói rằng, phương pháp này đã từng được thử nghiệm trên khoảng 150 tình nguyện viên. Vào tháng 3 năm ngoái, các giáo sư Roy Taylor, Michael Lean và các đồng nghiệp đã công bố trên tờ The Lancet Diabetes & Endocrinology một báo cáo về kết quả đầy hứa hẹn của giai đoạn đầu thử nghiệm 2 năm về chế độ ăn kiêng nhiều chất lỏng.
Các thử nghiệm liên quan đến gần 300 người mắc bệnh béo phì và tiểu đường thể 2. Khoảng 150 người trong số họ ăn kiêng và 150 người còn lại được điều trị tiểu đường tiêu chuẩn để đối chứng. Sau một năm hạn chế calo, 46% người tham gia đã cảm thấy thuyên giảm bệnh và một năm sau, 70% trong số họ vẫn còn duy trì được xu hướng thuyên giảm bệnh.
Hơn nữa, 64% những người tham gia đã giảm hơn 10 kg trọng lượng cơ thể, bệnh tiểu đường đã thuyên giảm trong suốt 2 năm. Theo các nhà khoa học, càng giảm nhiều trọng lượng cơ thể, khả năng thuyên giảm bệnh ổn định càng cao (nồng độ đường bình thường và không còn cần dùng thuốc).
Các nhà khoa học đã thành công trong việc khám phá bản chất sinh học của tiểu đường thể 2 và họ chắc chắn rằng khi có quá nhiều chất béo dưới da được lưu trữ trong cơ thể, phần dư thừa của chất béo sẽ xâm nhập vào gan và từ đó - vào tuyến tụy, dẫn đến sự gián đoạn hoạt động bình thường của tuyến tuỵ. Do đó, hoạt động của các gien điều chỉnh sản sinh insulin bị ức chế. Vì vậy, giảm cân càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán, giảm cân sẽ tạo ra hiệu quả tích cực lâu dài.
Theo thống kê, nước Anh có gần 4 triệu người sống chung với căn bệnh tiểu đường vì thế rất cần thử nghiệm chế độ ăn kiêng để giảm số lượng bệnh nhân đang tăng lên trong số 12,5 triệu người có nguy cơ mắc bệnh, và số bệnh nhân có thể sẽ tăng lên 5,5 triệu vào năm 2030.
Tiểu đường có thể dẫn đến mù lòa, bệnh tim và suy thận và trong một số trường hợp phải cắt cụt chi do hẹp mạch máu có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Vũ Trung Hương