Để có một đường ruột khỏe mạnh, bạn đừng quên thường xuyên ăn thực phẩm này:
Gạo lứt
Gạo lứt chứa rất nhiều protein, chất xơ (gấp đôi so với gạo tẻ thường), khoáng chất, sắt, và các loại vitamin B1, B2, B3, giúp cải thiện hệ thống miễn dịch một cách hiệu quả, làm sạch các mạch máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tuần hoàn máu, hỗ trợ tiêu hóa và giúp làm sạch dạ dày, giúp đường ruột khỏe mạnh hoạt động tốt.
Một nghiên cứu đã chứng minh, thường xuyên ăn loại gạo này có thể giúp bạn loại bỏ được độc tố ra ngoài cơ thể, ngoài ra nó còn có các tác dụng khác như cân bằng đường huyết, ngăn ngừa axit uric tăng quá cao, ngăn ngừa táo bón và ung thư ruột kết.
Đu đủ
Trong đu đủ có 2 hợp chất papain và chymopapain. Đây được coi là 2 loại enzyme tiêu hóa protein hiệu quả, có thể làm giảm mỡ máu, vì thế thường xuyên ăn đu đủ có thể giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Ngoài ra đu đủ còn có tác dụng nhuận tràng. Nhưng, nếu muốn ăn đu đủ bạn nên ăn sau bữa cơm từ 1-2h, ăn đu đủ ngay sau bữa ăn, sẽ không tốt cho dạ dày.
Sữa chua
Trong sữa chua có chứa hàm lượng canxi phong phú, lại chứa các loại lợi khuẩn làm cân bằng các vi khuẩn trong ruột, tốt cho quá trình tiêu hóa, kích thích nhu động đường ruột, tốt cho ruột, phòng ngừa táo bón, giảm các bệnh về đường tiêu hóa. Nhưng có một điều chú ý, đó là các loại sữa chua uống hoa quả và các loại sữa chua đã pha loãng thành nước uống, không tốt bằng sữa chua ăn thông thường.
Táo
Có một câu tục ngữ “Ăn một quả táo mỗi ngày, không phải gặp bác sĩ”. Có một tác dụng rõ rệt có thể nhận thấy nhất của loại quả này đó là: hỗ trợ thúc đẩy thải độc tố trong đường ruột - hàm lượng axit galacturonic, pectin chứa trong loại quả này có thể làm giảm độc tố trong cơ thể. Chất xơ hòa tan và các loại vitamin phong phú trong nó có tác dụng chống táo bón, axit trong táo có thể giúp bạn ngăn ngừa béo bụng, giúp cho đường ruột hoạt động bình thường khỏe mạnh.
Trong vỏ táo có chứa hàm lượng chất chống ô xy hóa cao, có thể làm giảm tốc độ quá trình lão hóa. Do đó, ăn táo tốt nhất nên ăn cả vỏ.
Lời khuyên để đường ruột luôn khỏe mạnh
Ăn chậm nhai kỹ: Nước bọt được tạo ra khi nhai thức ăn có chứa enzyme amylase, giúp chuyển hóa thức ăn trong khi nhai. Khi nhai kỹ, thức ăn được nghiền thành các miếng nhỏ giúp quá trình tiêu hóa bên trong dạ dày tiêu tốn ít năng lượng và enzyme hơn, dẫn đến việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ: Chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ loét dạ dày, trào ngược, trĩ, viêm túi thừa và hội chứng ruột kích thích.
Chất xơ không hòa tan góp vào thành phần của chất thải, giúp thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.
Chất xơ có nhiều trong trái cây, rau, hạt, các loại đậu và ngũ cốc còn nguyên lớp cám.
Uống nhiều nước: Uống không đủ nước, chất xơ không thể thực hiện công việc của mình. Nước và chất xơ phối hợp với nhau để vận chuyển thức ăn xuyên suốt qua đường tiêu hóa. Nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, theo Patricia Bannan.
Vận động: Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để cải thiện tiêu hóa. Đi dạo sau bữa ăn có thể giúp ruột vận chuyển thức ăn tốt hơn.
Một nghiên cứu cho thấy tập thể dục vừa phải, như đạp xe và chạy bộ, làm tăng thời gian vận chuyển đường ruột lên gần 30%.
Nghiên cứu cũng cho thấy 30 phút đi bộ mỗi ngày đã cải thiện đáng kể chứng táo bón.
Quỳnh An (t/h)