Cũng giống như bản chất của một con người không bộc lộ qua việc rửa bát (nhiều hay ít, sạch hay bẩn), hạnh phúc của một người phụ nữ cũng chẳng thể hiện qua việc cô ấy có phải còng lưng dọn dẹp mỗi dịp cỗ bàn hay không.
Kính gửi các quý chị, quý anh thích than thở!
Như đã thành cái lệ (hay cái “dớp”?), cứ gần đến những ngày tôn vinh chị em phụ nữ, dân tình lại đua nhau mở nhạc trữ tình, nghe sao não nề và da diết.
Nào thì “tám tháng ba” hay “hai mươi tháng mười” chỉ càng làm rõ sự bất bình đẳng nam - nữ trong xã hội. Nào thì chị em trong nước cần học tập chị em quốc tế cầm băng-rôn, biểu ngữ đòi thêm quyền lợi cho mình, thay vì chỉ biết háo hức trang điểm, ăn diện long lanh hơn ngày thường và tỏ ra hậm hực nếu không được tặng hoa, quà.
Bữa trước, chuyện một nàng dâu trưởng phải một mình xử lý 50 mâm bát đã tạo ra một “diễn đàn nhỏ”, nơi các nàng dâu nối đuôi nhau than vãn, kể khổ. Để rồi kéo theo đó, dân tình hoặc viết bình luận sướt mướt như phim Hàn Quốc những năm 2000, hoặc lên án sự “dã man” của nhà chồng, hoặc nêu cao tuyên ngôn suốt đời “độc toàn thân” để tránh rơi vào bể khổ.
Nhưng cũng giống như bản chất của một con người không bộc lộ qua việc rửa bát (nhiều hay ít, sạch hay bẩn), hạnh phúc của một người phụ nữ cũng chẳng thể hiện qua việc cô ấy có phải còng lưng dọn dẹp mỗi dịp cỗ bàn hay không.
Những ai đã rơi lệ thương hại nàng dâu trưởng kể trên nên để dành nước mắt cho chính mình, bởi ngoài đời, cô ấy là giám đốc một doanh nghiệp, không phải người đàn bà quanh quẩn xó bếp, không biết đến Facebook, Zalo hay Tâm sự Eva… Mà, dù cô ấy có quanh quẩn xó bếp đi chăng nữa thì đó vẫn là một lựa chọn cá nhân và nhiệm vụ duy nhất của người ngoài cuộc chúng ta là học cách tôn trọng.
Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu cuộc sống gia đình mình đang trôi qua trong êm ả thì một người xa lạ từ đâu đến nhảy bổ vào giữa nhà, phán xét từ mâm cơm tới buồng ngủ rồi nói rằng bạn khổ quá, xa rời văn minh quá?
Hôm nọ, cô bạn thân vừa gửi tin nhắn cho tôi, mách: “Bố chồng tao mới mua cho cái máy rửa bát to bự chảng, làm bếp đã chật nay càng chật hơn. Ổng tự ca ngợi mình tâm lý, biết nghĩ cho phụ nữ trong nhà nhưng hở ra là hành vợ, sai bà làm đủ việc…”.
Hình như, tư duy “giải phóng phụ nữ” ở mình vẫn còn tủn mủn và mang nặng tính hình thức lắm…
Phụ nữ hiện đại, dẫu đang nỗ lực giành chỗ đứng ở mọi lĩnh vực hay sớm tốt tất bật cơm nước phục vụ chồng con, đều cùng phải đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro về sức khỏe.
Và như đã nói ở trên, cuộc sống của mỗi người bắt nguồn từ những lựa chọn, ngày 8/3 nếu đã không thể mua hoa, thì cũng đừng ca bài thương hại phụ nữ!
Thân ái
Một người phụ nữ