Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cà phê Sơn La chủ yếu là cà phê chè (Arabica), chế biến theo phương pháp ướt, đòi hỏi sử dụng nhiều nước và phát sinh lượng lớn nước thải. Nếu không được xử lý đúng cách, nước thải và phụ phẩm như vỏ cà phê có thể gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Trong khi đó, nếu được xử lý hợp lý, các phụ phẩm này hoàn toàn có thể tái sử dụng hiệu quả, như chế biến trà cascara từ vỏ cà phê, sản xuất phân bón hữu cơ hoặc làm nguyên liệu cho các hoạt động chế biến sâu.
Trước thực trạng trên, từ tháng 4/2024, Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc phối hợp triển khai Dự án “Giải pháp xử lý chất thải cà phê - Tích hợp các mô hình bền vững để quản lý nước thải và phụ phẩm vào chính sách môi trường địa phương” tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (nay là xã Chiềng Mai). Việc triển khai mô hình không chỉ góp phần xử lý chất thải, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng chuỗi sản xuất cà phê bền vững.
Các địa phương đẩy mạnh triển khai giải pháp nhằm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong chế biến nông sản, đặc biệt là cà phê (Ảnh: BSL).
Triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn gia đình ông Tòng Văn Liến, thành viên Hợp tác xã (HTX Thái Việt) tham gia dự án, hỗ trợ gia đình hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải gồm 3 bể lót bạt HDPE, tổng diện tích 716 m². Trong đó, bể thứ nhất để tách vỏ cà phê, rửa hạt và chứa nước thải; bể thứ hai là bể kỵ khí, sử dụng men vi sinh, giảm nồng độ các chất ô nhiễm; bể thứ ba là bể hiếu khí, lưu giữ và tiếp tục xử lý nước trước khi xả thải hoặc tái sử dụng.
Qua triển khai thực tế cho thấy, quy trình có khả năng xử lý 100 m³ nước thải, tương ứng với chế biến 100 tấn cà phê tươi, với chi phí đầu tư chưa đến 30 triệu đồng. Sau 60 ngày xử lý kị khí và 21 ngày hiếu khí, các chỉ số COD, BOD5, TSS đều giảm mạnh, đạt mức an toàn với môi trường; coliforms trong nước giảm xuống dưới 110 MPN/100ml, đáp ứng tốt tiêu chuẩn sử dụng cho cây trồng công nghiệp...
Dự án còn triển khai mô hình ủ vỏ quả cà phê bằng nấm Trichoderma và chế phẩm vi sinh. Theo hộ dân tham gia dự án, từ khi được hỗ trợ, hướng dẫn ủ vỏ quả cà phê thành phân bón lại cho cây, cà phê phát triển xanh tốt, bền vững. Ngoài ra, loại phân này có thể bón cho tất cả các loại cây trồng khác, nhất là cây cam canh.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển bền vững các cây công nghiệp chủ lực, trong đó có cây cà phê. Hiện Sơn La có 5 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp và 15 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê quả tươi sang cà phê nhân. Hằng năm, hoạt động sơ chế, chế biến cà phê phát sinh khoảng 90.000 tấn vỏ quả và hơn 100.000 m3 nước thải cần xử lý. Việc xử lý vỏ quả đã được một số nhà máy, cơ sở, hộ gia đình sử dụng công nghệ, chế phẩm sinh học để làm phân bón cho cây trồng.
Công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chế biến nông sản được ngành chức năng tỉnh chú trọng triển khai (Ảnh: VN).
Là địa phương có diện tích, sản lượng nông sản lớn, đặc biệt là các sản phẩm: Cà phê, sắn, mía, dong riềng,… Để bảo vệ môi trường, nguồn nước, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trước, trong và sau niên vụ chế biến nông sản hàng năm, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tiếp tục duy trì các Tổ công tác/Đoàn kiểm tra để kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất và việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản (cà phê, sắn, mía, dong riềng,…), đặc biệt là các cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt.
Yêu cầu các cơ sở lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn) và truyền dữ liệu hình ảnh về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã (nơi có cơ sở sản xuất) để theo dõi, giám sát. Các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng đầy đủ điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường, nguồn nước và có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các cơ sở có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; có phương án, lộ trình di chuyển các cơ sở chế biến nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước vào các cụm công nghiệp để thực hiện việc kiểm tra, giám sát.
Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung yêu cầu tại Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Có phương án bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt, tổ chức rà soát, kiểm tra lại mốc giới phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình khai thác nước. Xây dựng quy trình, phương án ứng phó, bố trí sẵn sàng các điều kiện khắc phục khi xảy ra các sự cố ô nhiễm nguồn cấp nước để đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động chế biến nông sản: Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất, chỉ được phép hoạt động khi đã có đầy đủ thủ tục về môi trường. Đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.../.
Nguyễn Yến
Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốchttps://thiennhienmoitruong.vn/son-la-trien-khai-giai-phap-xu-ly-chat-thai-trong-san-xuat-ca-phe.html