(HNMO) - Ngày 10-4, Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận có 50 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên tàu sân bay Charles de Gaulle của nước này. Hiện có 3 thủy thủ đã được đưa tới một bệnh viện quân đội ở Toulon bằng máy bay. Trước đó, chiến hạm này của Pháp đã phải tạm ngừng sứ mệnh ở Biển Bắc để quay trở về nước.
Châu Âu
Theo Bộ Các lực lượng vũ trang Pháp, một nhóm chuyên gia về dịch bệnh thuộc lực lượng quân y Pháp đã được đưa lên tàu để kiểm tra tình trạng lây lan Covid-19 trong tổng số 1.760 thành viên thủy thủ đoàn.
Hiện tại, do lệnh phong tỏa, số ca nhiễm bệnh tại Pháp đã có dấu hiệu giảm bớt, song số ca tử vong trong 1 ngày vẫn ở mức cao, khoảng trên 1.300 người. Chính phủ nước này đang cân nhắc việc gia hạn thêm lệnh phong tỏa. Trong khi đó, theo dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này sẽ giảm 6% trong năm nay vì hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Kế hoạch cứu trợ của Pháp sẽ tăng lên 100 tỷ euro.
Tại Italia, Bộ Nội vụ đã ban hành chỉ thị kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại của người dân, đặc biệt trong dịp Lễ Phục sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Trong một thông báo, Bộ trưởng Nội vụ Italia Matteo Piantedosi nêu rõ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan của chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Tuy nhiên, lưu lượng giao thông sẽ tăng mạnh dịp Lễ Phục sinh, đặc biệt các tuyến đường cao tốc và khu vực ngoại ô, do đó, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại của người dân là quan trọng vào thời điểm này.
Chính phủ Italia cũng đang xem xét việc gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 3-5. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết, hiện chưa có đủ các điều kiện để mở cửa trở lại cho các hoạt động sản xuất.
Tại Nga, nước này đã ghi nhận thêm 1.786 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đưa tổng số người mắc bệnh lên 11.917. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục. Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Nga đã tăng thêm 18. Như vậy, tính tới nay, Nga đã ghi nhận 94 người tử vong. Thủ đô Mátxcơva vẫn là địa phương có số người mắc Covid-19 trong ngày cao nhất với 1.124 trường hợp, đưa tổng số ca bệnh tại thành phố này lên 7.822 người.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, khoảng 450 tù nhân và nhân viên tại nhà tù lớn nhất thành phố Chicago Cook County có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Đây là một trong những đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất tại một địa điểm ở Mỹ và cũng là đợt bùng phát dịch mới nhất tại các nhà tù.
Tại Chile, Bộ Y tế cho biết đã có thêm 426 ca bệnh mới, nâng tổng số lên 5.972 ca với 57 ca tử vong. Tất cả các ca tử vong mới đều là người cao tuổi và đã có bệnh nền. Chile đã tăng cường biện pháp phong tỏa tại các thành phố lớn nhằm ngăn chặn người dân đi du lịch biển vào dịp Tuần lễ Thánh sắp tới. Chính phủ Chile cũng bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Tại Brazil, giới chức nước này xác nhận các ca tử vong đầu tiên tại các khu ổ chuột ở Rio de Janeiro, nơi nghèo đói, đông đúc và kém vệ sinh làm tăng quan ngại về một thảm họa có thể xảy ra. Các khu ổ chuột này là nơi ở của 1,5 triệu dân, chiếm 1/4 dân số thành phố. Chính phủ Brazil cùng ngày đã bắt đầu giải ngân khoản tiền trợ cấp hằng tháng 600 real (120 USD) để giúp các gia đình vượt qua khủng hoảng. Brazil hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh tại Mỹ Latinh với 957 ca tử vong cho đến nay.
Châu Á
Nghiên cứu của Đại học United Nations có trụ sở tại Nhật Bản cảnh báo, nếu không có sự trợ giúp và hỗ trợ xã hội từ chính phủ các nước, đại dịch Covid-19 có thể sẽ phá hủy toàn bộ những tiến triển đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo hơn 30 năm qua và khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ đứng trước nguy cơ có tới 40% trong tổng số người nghèo mới trên toàn thế giới khi thu nhập bình quân đầu người giảm 5% và người ở ngưỡng nghèo có thu nhập 5,5 USD/ngày. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm khoảng 97,6 triệu người "tái nghèo" trong năm 2020 so với năm 2018.
Trên phạm vi toàn cầu, sự lây lan của đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn trong hoạt động tiêu dùng do đại dịch này gây ra là “thách thực thực sự” đối với các nền kinh tế đang nỗ lực đạt mục tiêu xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030 như đã đề ra trong chương trình Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tính tới 19h ngày 10-4, toàn thế giới có 1.615.092 ca nhiễm SARS-CoV-2, 96.791 người tử vong.