Sản phẩm của Công ty Vĩnh Điển chứa chất cấm có thể gây ung thư
Trong quý I/2024, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã xử phạt Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển với 6 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 11.086.425.000 đồng.
Cục An toàn thực phẩm cho biết: Các sản phẩm chứa chất cấm của Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus" (Số lô: 02.2022, NSX: 11/5/2022, HSD: 10/5/2025).
Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển sản xuất sản phẩm chứa chất cấm bị xử phạt hành chính số tiền hơn 11 tỷ đồng.
"Giấm Táo slim hỗ trợ giảm béo" (Số lô: 01.2022, NSX: 26/2/2022, HSD: 25/2/2025); "Nio Slim hỗ trợ giảm béo" (trên nhãn không ghi số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng); "Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý" (Số lô: 03.2022, NSX: 12/5/2022, HSD: 11/5/2025) mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP).
Ngày 15/4, phóng viên có mặt tại Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển. Bên ngoài cổng công ty này có ghi dòng chữ: "Công ty đang tạm dừng hoạt động để sữa chữa".
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Giấm Táo slim hỗ trợ giảm béo"; "Nio Slim hỗ trợ giảm béo"; "Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý" thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Tuy nhiên đơn vị sản xuất không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo đúng quy định.
Tiếp đến, sản phẩm thực phẩm "Kumiko slim" không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Không đầy đủ thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố khác ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm và vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus".
Công ty Vĩnh Điển giới thiệu là nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP nằm cạnh khu nghĩa trang, mái tôn hoen gỉ.
"Sử dụng chất cấm (Sildenafil, Sibutramine) trong sản xuất, chế biến thực phẩm, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus", sản phẩm "Stony bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý"; thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo", có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng như ở trên" - Cục an toàn thực phẩm nêu .
Ngoài xử phạt hành chính, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe 11 tháng kể từ ngày 1/3/2024 đối với Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển.
Đáng chú ý, năm 2022, cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện 5 sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển có chứa chất cấm.
Năm 2022, Cục ATTP đã đưa ra cảnh báo về 3 sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển có chứa chất cấm.
Trong số đó, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra cảnh báo về 3 sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển có chứa chất cấm được lưu hành trên thị trường gồm các chất: Sildenafil, Sibutramine và Phenolphtalein buộc phải thu hồi. Trong số này, chất cấm Phenolphtalein có thể gây ung thư đối với người sử dụng.
Thời điểm này, ông Nguyễn Thanh Phong đang giữ chức Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.
Theo FDA, Phenolphthalein là chất chỉ thị màu, thường dùng để đo độ pH. Phenolphthalein từng được sử dụng trong hơn một thế kỷ như thuốc nhuận tràng, nhưng hiện nay đã bị gỡ bỏ khỏi danh mục thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về khả năng gây ung thư. Chính vì vậy, chất này đã bị FDA cấm lưu hành từ năm 1999. Hiện nay, chất này đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thành phần hoạt tính của tất cả loại thuốc lưu hành tại Mỹ.
Dù liên tiếp, nhiều lần Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển vi phạm nghiêm trọng đối với hành vi sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm nhưng vụ việc không được chuyển đến cơ quan công an để điều tra.
Năm 2022, thực phẩm bảo vệ sức khỏe FEO DỨA và Viên uống thảo Mộc slim có chứa chất cấm do Công ty Y dược phẩm Vĩnh Điển sản xuất.
Vụ việc tới mức truy cứu hình sự cần chuyển cơ quan điều tra
Liên quan đến sự việc thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý và khởi tố nhiều cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng trong vấn đề cấp phép, sản xuất thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Thị Loan – Công ty luật TNHH Bùi Loan (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Bùi Thị Loan – Công ty luật TNHH Bùi Loan (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Theo luật sư Loan, tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả đang là một vấn đề được cả xã hội quan tâm, lên án, bởi đây là những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của của tiêu dùng.
Liên tiếp nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, chứa chất cấm bị phanh phui, phát hiện đã gây ra sự hoang mang, mất niềm tin cho xã hội. Việc kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vụ việc như trên của cơ quan chức năng là vô cùng cần thiết và mang ý nghĩa thiết thực góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Luật sư Loan cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định các hành vi vi phạm của Công ty Vĩnh Điềm và có các biện pháp xử phạt kịp thời như thông tin phản ánh trên các phương tiện truyền thông, chắc chắn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân.
"Chúng ta cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa việc đấu tranh với những cá nhân, đơn vị sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả. Trong trường hợp vụ việc phát hiện đã tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần nhanh chóng chuyển cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật", luật sư Bùi Thị Loan nêu quan điểm.
Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm
Ngày 12/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về tội "Nhận hối lộ".
4 đối tượng khác cùng bị khởi tố, gồm: Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên, Chuyên viên 2 Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Thanh Phong; Đinh Quang Minh; Nguyễn Thị Minh Hải; Lê Thị Hiên; Cao Văn Trung (theo thứ tự từ trái qua).
Theo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ dấu hiệu tiêu cực, buông lỏng quản lý của các nhóm người là lãnh đạo, cán bộ Cục An toàn thực phẩm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thẩm định, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất và Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép sản xuất) các sản phẩm thực phẩm chức năng cho nhiều đơn vị, tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng trên cả nước.
Bước đầu đã làm rõ việc bị can Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược phẩm MEDIUSA) thông đồng, móc ngoặc và đưa tiền "lót tay" cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục an toàn thực phẩm.
Từ đó, các lãnh đạo, cán bộ này bỏ qua các lỗi vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt cho 2 Nhà máy (MediPhar và MediUSA); cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép) cho 207 sản phẩm thực phẩm chức năng của 9 Công ty (gồm: MediPhar, MediUSA, MegaLife, Việt Đức, MegaPharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist, VitaPhar).
Qua đó giúp Nguyễn Năng Mạnh và đồng phạm sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, thu lời bất chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, gây bức xúc trong xã hội.
Nguồn giaoducthoidai.vn
Link bài gốchttps://giaoducthoidai.vn/san-pham-chua-chat-cam-co-the-gay-ung-thu-vi-sao-khong-chuyen-co-quan-dieu-tra-post730998.html