Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 30.7 phóng thành công robot thăm dò sao Hỏa Perseverance để tiếp tục tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái đất. Perseverance là thiết bị tự hành thứ 5 của NASA kể từ khi Mỹ bắt đầu thám hiểm sao Hỏa. Robot này được phóng bởi tên lửa đẩy Atlas V của Công ty United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa hãng máy bay Boeing và Lockheed Martin.
Ban đầu kế hoạch cất cánh của Perseverance là ngày 17.7, tuy nhiên thời điểm này đã bị dời lại 3 lần do sự cố thiết bị hệ thống mặt đất. Perseverance mang theo tải trọng nặng nhất từ trước đến nay là 1.025 kg với một chiếc xe Rover tự hành và một trực thăng.
Robot này dự kiến hạ cánh xuống hành tinh đỏ vào ngày 18.2.2021 sau hành trình kéo dài 7 tháng với quãng đường khoảng 467 triệu km. Perseverance sẽ hạ cánh tại một miệng hố sâu 250 m được gọi là Jezero, được cho là một hồ nước cổ đại vốn có nước 3,5 tỉ năm trước.
Không lâu sau khi phóng, Perseverance đã tách thành công khỏi tầng trên Centaur của tên lửa Atlas V. Một sự cố đã xảy ra khiến tàu Perseverance gặp trục trặc và mất liên lạc với trung tâm mặt đất chỉ vài giờ sau khi phóng. Tuy nhiên, liên lạc đã được thiết lập trở lại với những hiệu chỉnh từ hệ thống mặt đất.
NASA đã xác nhận robot Perseverance chuyển sang "chế độ an toàn" do chênh lệch nhiệt độ ngoài dự kiến. "Dữ liệu cho thấy tàu vũ trụ tự động kích hoạt chế độ an toàn, nhiều khả năng do một phần con tàu hơi lạnh hơn dự kiến khi ở trong vùng bóng của Trái đất. Hiện nay, nhiệt độ ở mức bình thường và tàu vũ trụ đã ra khỏi vùng bóng", đại diện NASA cho biết.
Nhóm phụ trách dự án hôm 31.7 đã tìm ra vấn đề nhiệt độ bắt nguồn tự hệ thống sử dụng freon (một hợp chất làm lạnh) để giữ mát cho bộ pin hạt nhân của robot tự hành. Do Perserverance bay qua bóng của Trái đất, nhiệt độ ở hệ thống làm mát thấp hơn so với lúc phóng dưới ánh nắng Mặt trời. Các chuyên gia sẽ tiếp tục phân tích cẩn thận dữ liệu để kiểm tra lại. Sau khi hoàn thành, họ có thể đưa robot Perserverance về chế độ vận hành.
Theo Matt Wallace, phó quản lý dự án của NASA ở California, tình huống trên không gây nhiều lo ngại. Nguyên nhân của sự cố liên lạc là do NASA phụ thuộc vào hệ thống gọi là Mạng lưới không gian sâu (DSN) để liên lạc với Perseverance sau khi phóng dù tàu vũ trụ chưa bay vào vùng không gian này. Robot tự hành Curiosity – “người tiền nhiệm của” Perseverance cũng từng đối mặt với vấn đề tương tự khi phóng vào năm 2011.
“Nhóm nghiên cứu đang thực hiện công việc từ xa, họ sẽ xem xét phần còn lại của tàu vũ trụ. Cho đến nay, tất cả các dấu hiệu đều tiến triển tốt. Tín hiệu vô cùng mạnh mẽ và có một chút áp đảo đối với máy thu nhạy cảm của Mạng không gian sâu”, ông Wallace nói.
Trang Nhung (theo Space)