Đầu giờ sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình (Ảnh: quochoi.vn)
Phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều, trong đó quy định việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, tại những phường thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, Ủy ban nhân dân (UBND) phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, khi thực hiện thí điểm thì mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội đã có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.
Cụ thể, đối với chính quyền đô thị (khu vực nội thành, nội thị):
Thực hiện thí điểm chính quyền đô thị hai cấp, đó là cấp chính quyền thành phố Hà Nội và cấp chính quyền quận, thị xã (đều có HĐND và UBND). Mô hình tổ chức cấp chính quyền của thành phố Hà Nội và quận, thị xã cơ bản như hiện nay, nhưng có đổi mới các cơ quan chuyên môn trực thuộc phù hợp với tính chất đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền cấp thành phố cho chính quyền cấp quận, thị xã.
UBND phường khi thực hiện thí điểm là cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại địa bàn phường. Nhiệm vụ chính của UBND phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp và ủy quyền của UBND quận, thị xã; hướng dẫn tổ dân phố thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn phường.
Đối với chính quyền nông thôn (huyện, xã): Giữ nguyên mô hình chính quyền nông thôn 3 cấp, đó là cấp chính quyền thành phố Hà Nội và cấp chính quyền huyện, thị xã và cấp chính quyền xã (đều có HĐND và UBND). Mô hình tổ chức cấp chính quyền của thành phố Hà Nội và huyện, thị xã, xã, thị trấn cơ bản như hiện nay, nhưng có rà soát để thực hiện các giải pháp nhằm củng cố cấp chính quyền tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và các xã thuộc thị xã Sơn Tây theo quy định của pháp luật.
Thay đổi chức năng của UBND phường
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thông tin khi thực hiện thí điểm thì một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường hiện nay sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt, không bị bỏ sót.
Khi không tổ chức HĐND phường thì vị trí, chức năng của UBND phường cũng đã thay đổi.
Cụ thể, UBND phường nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại phường, thực hiện các nhiệm vụ hành chính nhà nước và cung cấp các dịch vụ công và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã; bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.
Bộ trưởng cho hay, tuy vẫn giữ tên gọi là UBND và cơ cấu UBND phường có từ ba đến năm thành viên (gồm Chủ tịch, một đến hai Phó Chủ tịch và một đến hai Ủy viên) nhưng khác với UBND phường nơi có tổ chức HĐND ở các địa phương khác, đối với các phường tại Hà Nội thực hiện thí điểm, dự thảo Nghị quyết xác định UBND quận, thị xã quyết định về số lượng và cơ cấu thành viên UBND phường; đồng thời, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường là cán bộ giữ chức danh lãnh đạo quản lý, trực thuộc UBND quận, thị xã. Công chức phường thuộc biên chế của UBND quận, thị xã.
UBND phường thảo luận tập thể và quyết định theo đa số các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền, nhưng đề cao thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND phường trong quản lý, điều hành hoạt động của UBND phường.
UBND phường tại thành phố Hà Nội khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND sẽ không còn là một cấp quy hoạch, một cấp ngân sách, mà chỉ là đơn vị dự toán ngân sách thuộc UBND quận, thị xã. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường chủ yếu thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công trên địa bàn phường.
UBND phường nơi không tổ chức HĐND được bổ sung 08 nhiệm vụ, quyền hạn; Chủ tịch UBND phường nơi không tổ chức HĐND được bổ sung 03 nhiệm vụ, quyền hạn./.