2024 là năm cuối thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lứa học sinh theo sách và chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018).
Vì vậy, lứa học sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 lo lắng nếu không may trượt tốt nghiệp thì sẽ phải thi lại vào năm 2025 theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong khi các em học 12 năm theo sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Bộ GD&ĐT cho biết, thí sinh trượt tốt nghiệp từ năm 2024 trở về trước sẽ được thi lại với đề thi riêng, khác với đề dành cho học sinh tốt nghiệp từ năm 2025. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những học sinh đã học theo chương trình cũ.
"Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025", Bộ GD&ĐT nêu. Tuy nhiên, Bộ chưa đưa ra phương án thi cụ thể cho nhóm thí sinh này.
Còn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Nguyên tắc "bất di bất dịch" của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh. Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình phổ thông 2006, Bộ sẽ nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau. Một đề nội dung theo Chương trình phổ thông 2018, nội dung đề còn lại theo Chương trình phổ thông 2006.
Theo tỷ lệ tốt nghiệp THPT, số lượng trượt cũng rất ít, do đó không đáng ngại việc tốn kém kinh phí. Mà kể cả kinh phí tốn kém cũng phải phục vụ cho các em, đảm bảo quyền lợi chính đáng".
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có hơn 1.067.000 thí sinh đăng ký thi, trong đó hơn một triệu là học sinh lớp 12, 45.300 thí sinh tự do.
Mới đây nhất, tại Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng phương án cụ thể để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho những học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng chưa tốt nghiệp trong kỳ thi năm 2024 bảo đảm hiệu quả, tiết giảm ngân sách nhà nước.
Để tổ chức tốt kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia kỳ thi.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non; bảo đảm đề thi chất lượng, có mức độ phân hóa phù hợp, tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.
Nguồn suckhoedoisong.vn
Link bài gốchttps://suckhoedoisong.vn/phuong-an-thi-nao-cho-thi-sinh-khong-may-truot-tot-nghiep-thpt-2024-169240520225203295.htm