Hà Nội có nhiều vùng trồng bưởi đặc sản như: Bưởi Diễn, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương... Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Hiện nay trên địa bàn Thành phố, diện tích cây ăn quả có xu thế tăng trong giai đoạn 2021-2024; đến năm 2024 diện tích ước đạt 20 nghìn ha, tăng 412 ha so với năm 2021, cơ cấu cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cây đặc sản như: Bưởi diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, ổi lê, cam,chuối... chiếm trên 50% diện tích cây ăn quả của Thành phố. Bên cạnh đó, đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung. Một số diện tích sản xuất cây ăn quả áp dụng kỹ thuật bao quả, canh tác theo VietGAP, canh tác hữu cơ,... cho sản phẩm đạt chất lượng cao. Trong đó, cây bưởi được xem là một trong những cây ăn quả chủ lực của Hà Nội, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Không chỉ mua những trái bưởi vàng óng, ngọt lịm chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán, mà bà Phạm Thị Cúc Tú ở phường La Khê, quận Hà Đông cùng những người bạn có một ngày trải nghiệm thú vị, checkin chụp ảnh tại những vườn bưởi ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức.
Ông Trần Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở, huyện Hoài Đức cho biết, trong vài năm gần đây, việc du lịch trải nghiệm, thăm quan chụp ảnh và mua những sản phẩm ngay tại vườn đã trở nên thịnh hành không chỉ ở Hoài Đức mà ở nhiều nơi trồng bưởi ngoại thành Hà Nội.
Trong những năm gần đây, vườn trồng bưởi của Hà Nội thu hút nhiều khách đến thăm quan, chụp ảnh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Đối với HTX Bưởi sạch và kinh doanh tổng hợp Phú Cường, huyện Sóc Sơn với tổng diện tích trồng bưởi là trên 13,6 ha, đã đạt chứng nhận VietGAP với năng suất đạt từ 25-28 tấn/ha. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX Bưởi sạch và Kinh doanh tổng hợp Phú Cường chia sẻ: Để quảng bá sản phẩm bưởi, HTX đã tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm và đạt chuẩn OCOP 4 sao. Từ khi đạt được OCOP 4 sao, danh tiếng của quả bưởi Phú Cường được nhiều người biết hơn, thị trường được mở rộng hơn, sản lượng tiêu thụ được lớn hơn. HTX cũng đã tuyển chọn những sản phẩm tốt nhất, đạt chuẩn OCOP để đưa vào các chuỗi nhà hàng trong thành phố. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay dự kiến giá thành sản phẩm bưởi của HTX sẽ tăng từ 25-30% với các sản phẩm loại 1.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố có trên 7.800 ha bưởi với 12 giống bưởi khác nhau, trong đó chủ lực là bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường La Tinh và bưởi Tôm Vàng. Với năng suất bình quân đạt 185 tạ/ha, sản lượng bưởi của Hà Nội đạt khoảng 100.000 tấn mỗi năm, mang lại giá trị sản xuất trên 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thành phố cũng đã xây dựng và phát triển 1 chỉ dẫn địa lý, cùng 14 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm bưởi. Trong định hướng của Hà Nội, sẽ bố trí cơ cấu giống bưởi chính vụ chiếm khoảng 70% diện tích, rải vụ thu hoạch 30% diện tích còn lại. Bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng, thành phố cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.
Thiện Tâm
Nguồn thanglong.chinhphu.vn
Link bài gốchttps://thanglong.chinhphu.vn/phat-trien-the-manh-nong-san-tu-cay-an-qua-dac-san-103250126183118378.htm