Quan điểm của Chiến lược lần này là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm trên nền tảng tăng trưởng xanh; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ảnh minh họa (Nguồn: Tổng cục Du lịch)
Ngành du lịch cũng sẽ phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.
Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa để phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam.
Chiến lược này đề ra mục tiêu, đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2050, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế. Việt Nam trở thành điểm đến có giá trị nổi bật toàn cầu, thuộc nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2050, tổng thu từ khách du lịch tăng 3,5 - 4 lần so với năm 2030./.