Theo EurekAlert, 2 gien có chức năng giúp các tế bào gốc trong ruột đốt cháy chất béo trong thức ăn có thể đóng một vai trò trong bệnh ung thư ruột kết (colon cancer). Đây là kết luận của các nhà khoa học ở Đại học Rutgers, Mỹ. Công trình nghiên cứu của họ, được công bố trên tạp chí Gastroenterology, mô tả một mối liên hệ mới giữa cách các tế bào tiêu thụ chất béo và cách các gien điều chỉnh hành vi của tế bào gốc trong ruột chuột. Theo đó, ăn thực phẩm có nhiều chất béo có thể gây ra ung thư ruột kết.
Một vai trò quan trọng trong quá trình bệnh lý là do 2 gien có trong các tế bào gốc ở ruột. Con người tự nhiên mất hàng triệu tế bào ruột hàng ngày, giống như mất tế bào da. Các tế bào gốc trong ruột trải qua quá trình đổi mới liên tục và thúc đẩy sự thay đổi liên tục của niêm mạc ruột, nhưng chức năng tế bào gốc bị thay đổi có thể dẫn đến ung thư ruột kết.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng hai gien có tên HNF4A và HNF4G đảm bảo hoạt động đúng cách của niêm mạc ruột. Nhóm nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng hai gien HNF4A và HNF4G phối hợp với nhau để thúc đẩy chức năng thích hợp của niêm mạc ruột. Chúng giúp đốt cháy chất béo, cung cấp năng lượng cho tế bào gốc. Khi một lượng lớn chất béo có trong chế độ ăn, số lượng tế bào gốc liên tục phân chia sẽ tăng lên và điều này làm tăng nguy cơ phát triển khối u.
Vì vậy, chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những cách hiệu quả để ngăn ngừa ung thư.
Nhà nghiên cứu Michael Verzi cho biết, khoa học đã chỉ ra rằng khi có quá nhiều chất béo trong ruột, số lượng tế bào gốc tăng lên, khiến tăng khả năng mắc bệnh ung thư ruột kết.
Ung thư ruột kết là bệnh ung thư phổ biến thứ ba được chẩn đoán ở nam và nữ tại Mỹ. Hiệp hội ung thư Mỹ ước tính có hơn 101.420 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết trong năm nay.
Vũ Trung Hương