(HNM) - Hiện nay, do nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyên gia khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) đang là ngành nghề “hot” trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Khan hiếm nguồn nhân lực AI
Vài năm gần đây, AI nổi lên như một lĩnh vực khoa học, công nghệ quan trọng. Các tiến bộ của AI đã cho ra đời những sản phẩm công nghệ chất lượng cao với khả năng tự động hóa, cá nhân hóa... Các chính phủ và cả doanh nghiệp tư nhân đều đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi bảo đảm sự thành công của phát triển AI.
Theo ước tính của Phòng Nghiên cứu độc lập Element AI ở Montreal, Canada, năm 2018, thế giới chỉ có khoảng 10.000 chuyên gia đủ trình độ để giải quyết các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực AI, phần lớn tập trung ở các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Trung Quốc...
Tại Việt Nam, nguồn nhân lực AI hiện nay mới chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường, đặc biệt đang rất thiếu nhân lực AI ở mức cao.
Với mục tiêu trở thành một công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu Việt Nam giai đoạn 2020-2025, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) hiện đang ráo riết tìm kiếm, thu hút và phát triển các chuyên gia, kỹ sư tài năng trong ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng phòng Nhân sự Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết, nhu cầu về nhân lực trong ngành này ngày càng tăng cao và trở thành thách thức lớn của tất cả doanh nghiệp trên thị trường. Để giải quyết vấn đề khan hiếm nhân lực, các doanh nghiệp phải chủ động đào tạo những nhân tài tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực trẻ.
Tập đoàn FPT cũng xác định AI là công nghệ mũi nhọn. Chiến lược phát triển AI tại tập đoàn hướng tới mục tiêu ứng dụng trên ba tầng: Tích hợp vào hệ sinh thái FPT, đóng gói thành các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho thị trường và xây dựng cộng đồng phát triển AI.
Với định hướng như vậy, FPT cũng đang gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI. Nguồn nhân lực hiện có của FPT mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu và dự kiến thiếu hụt khi tiếp tục mở rộng đầu tư. Do vậy, tập đoàn liên tục tuyển dụng các nhân tài AI và vẫn cần đào tạo thêm để đáp ứng đủ nhu cầu.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI
Tất cả trường đại học lớn về khoa học và kỹ thuật trên thế giới đều đang nỗ lực đón đầu “ngọn sóng” trí tuệ nhân tạo. Theo báo cáo AI Index 2018, số lượng sinh viên bậc đại học theo đuổi ngành này liên tục tăng. Tại Mỹ, con số này tăng gần 4 lần từ năm 2012 đến 2018. Tại Trung Quốc, riêng Đại học Thanh Hoa đã chứng kiến số lượng sinh viên ghi danh vào các khóa học AI tăng 16 lần trong vòng 7 năm.
Theo Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu VinAI Research thuộc Tập đoàn Vingroup, đào tạo tại các trường đại học là cơ sở nòng cốt, mấu chốt để giải quyết vấn đề nhân lực.
Năm 2019, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu mở ngành học mới về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Với số điểm đầu vào khá cao (năm 2019 là trên 27 điểm, năm 2020 là 28,65 điểm) và số lượng hạn chế cho một lớp để bảo đảm nguồn nhân lực AI được đào tạo chất lượng, bài bản.
“Hiện nay đang rất cần nhân lực tại các bộ phận phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo, xử lý/phân tích/biểu diễn dữ liệu lớn tại các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước… Đây chính là công việc của người theo học ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo mà trường đang đào tạo. Đặc biệt, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc sớm đào tạo được một đội ngũ chuyên gia giỏi, với các kỹ năng làm việc toàn cầu hóa trong một lĩnh vực then chốt này sẽ giúp đất nước bớt lệ thuộc vào các công nghệ và nền tảng nước ngoài, cũng như giảm thiểu việc dòng dữ liệu quốc gia bị “chảy” ra nước ngoài, dẫn đến thất thoát nguồn tài nguyên được coi là “dầu mỏ mới” này, kèm theo tiềm ẩn các nguy cơ về an ninh quốc gia”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (SoICT), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích.
Ngoài Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các trường đại học hàng đầu của Việt Nam cũng bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo khoa học máy tính, định hướng AI và khoa học dữ liệu. Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - đào tạo thạc sĩ về khoa học dữ liệu, đào tạo cử nhân chất lượng cao, định hướng AI. Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - đào tạo ngắn hạn về khai phá dữ liệu, khoa học dữ liệu. Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) - đào tạo ngắn hạn về học sâu, phân tích dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động như bài giảng đại chúng về AI, khoa học dữ liệu và học máy của Viện Toán cao cấp, Cộng đồng VietAI và Công ty AI Academy.
Theo các chuyên gia, một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển AI ở Việt Nam còn là việc tập hợp cộng đồng, đặc biệt là thu hút sự tham gia hiệu quả của người Việt Nam làm AI ở nước ngoài cùng với đội ngũ ở trong nước, nhằm đẩy mạnh sự phát triển AI và hệ sinh thái AI ở Việt Nam.