Nghề giã cào vốn là một nghề truyền thống của ngư dân các vùng biển ngang. Hình thức đánh giã cào trước đây chỉ dành cho những chiếc thuyền nhỏ của ngư dân đánh bắt ven bờ.
Đánh bắt hải sản bằng hình thức giã cào thường sử dụng thuyền kéo chiếc lưới dạng túi, miệng túi được mở lớn bằng chuỗi phao ở trên, chuỗi chì ở dưới giúp cánh lưới cào sát đáy biển để bắt cá. Đánh bắt bằng hình thức giã cào phổ biến là dùng hai thuyền để kéo hai đầu cánh lưới gọi là giã cào đôi, nếu dùng một thuyền kéo lưới thì gọi là giã cào đơn.
Hiện nay, ở một số vùng biển, kể cả những thuyền nhỏ cũng bị hạn chế hoạt động giã cào và có những quy định về mắt lưới, thời gian và địa điểm khai thác, bởi đây là kiểu đánh bắt theo phương thức tận diệt nguồn lợi thủy hải sản, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái ven bờ.
Chính vì vậy, những tàu có công suất lớn chỉ được phép đánh bắt bằng hình thức quét lưới giã cào ở ngoài khơi, tại một số vùng biển nhất định. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều tàu cá lớn đã bất chấp quy định tiến vào sát bờ đánh bắt, tận thu triệt để các nguồn lợi hải sản, nhất là vào mùa các loài thủy hải sản vào vùng lộng để sinh sản, điều này khiến ngư dân đánh bắt ven bờ vô cùng bức xúc.