Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tại Hội nghị (Ảnh: K.C)
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2021; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Xuân Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2021; Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2021.
Tham dự hội nghị còn có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đông đảo các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, địa phương; các nhà khoa học; các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới và phóng viên báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ Tổ quốc. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, đô thị theo quy hoạch là căn bản, phát triển hiện đại hoá toàn diện nông nghiệp là then chốt, nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết số 26 đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường. Để triển khai thành công Chương trình và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong phạm vi cả nước theo tinh thần Nghị quyết 26, Bộ Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên tinh thần đó, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và thông qua Ðề án về chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện. Đề án đã lựa chọn 11 xã điểm tại 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng khác nhau của đất nước để tổ chức triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: K.C)
Trên cơ sở kết quả thí điểm, ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để tuyên truyền, vận động, huy động các cấp, các ngành, các thành phần trong xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Tới nay, sau 10 năm triển khai thực hiện, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình hoàn thành trước gần 2 năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao. Từ kết quả của 4 lần tổ chức hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới ở các vùng trên cả nước, việc tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, nhận diện những mặt còn yếu kém, xác định nguyên nhân, đúc rút những bài học kinh nghiệm, tuyên dương, khen thưởng những tập thể cá nhân đã đạt những thành tích đặc biệt xuất sắc để thúc đẩy Chương trình đạt kết quả cao nhất đến năm 2020 và chuẩn bị khuôn khổ pháp lý cho giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường cho biết, trên cơ sở kết quả chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng thí điểm 11 xã đại diện cho các vùng kinh tế - văn hóa trên cả nước xây dựng mô hình nông thôn mới từ năm 2008-2010, đã khẳng định được chủ trương lấy cấp xã là địa bàn trọng tâm để xây dựng mô hình nông thôn mới là đúng đắn và phù hợp với điều kiện thực tế; đúng với quan điểm, đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng thời kỳ 2011-2020. Đây là cơ sở quan trọng để Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến quá trình triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã trở thành một nội dung làm việc cố định trong chương trình làm việc về phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương. Cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình, nên đã quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, coi xây dựng nông thôn mới là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; và đã hình thành hệ thống bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến tỉnh, huyện xã và thôn.
Qua từng giai đoạn, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản về phát triển kinh tế nông nghiệp và hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới không ngừng được hoàn thiện theo hướng khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập và tồn tại của giai đoạn trước, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của địa phương. Trong đó, chú trọng về chất lượng, hiệu quả và tính bền vững; xác định rõ những nội dung trọng tâm để tập trung chỉ đạo; kịp thời bổ sung những nội dung mới; tăng cường phân cấp, trao quyền chủ động cho địa phương, nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tự nhiên đa dạng, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã linh hoạt, chủ động ban hành các bộ tiêu chí khác nhau ở cấp thôn, đến xã và huyện với chiều sâu mức độ đạt chuẩn nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Điểm đáng chú ý, sự hài lòng và nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới ngày càng cao. Kết quả điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy có khoảng 84,78% số hộ nông thôn hài lòng về xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy đây là một kết quả rất tích cực, phản ánh sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng dân cư nông thôn đối với quá trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, qua báo cáo kết quả lấy ý kiến người dân của trên 100 đơn vị cấp huyện xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thì tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt trên 94 - 99%; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước giảm rõ rệt. Do vậy, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều thành tựu rất to lớn.
Cũng theo báo cáo, đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao; có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao. Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hiện nay đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, sau 9 năm triển khai Chương trình, cả nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp - nông thôn Việt Nam lên một thế và lực mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng được đồng bộ, khang trang từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Chất lượng đường giao thông ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương. Chất lượng điện ở nông thôn ngày càng được nâng cao, ổn định, cơ bản đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống trường học các cấp ở nông thôn đã được các địa phương đặc biệt chú trọng, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng trường mới đồng bộ, từng bước được trang thiết bị theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Tỷ lệ xã có nhà văn hóa tăng nhanh. Dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của dân cư nông thôn được tăng cường. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị ở cấp xã và các khu dân cư thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực nông thôn được đẩy mạnh, có bước phát triển mới, khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội…
Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Năng suất lao động nông nghiệp không ngừng được cải thiện. Năm 2018, GDP bình quân trong ngành nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 40 triệu đồng/lao động, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018.
Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị. Trên cơ sở đó, mục tiêu cụ thể xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 là: cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới áp dụng đối với cấp thôn theo quy định. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để đạt được những mục tiêu trên, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến Chương trình có 4 nội dung trọng tâm, đó là: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi vùng, miền; bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn, giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: K.C)
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, đồng lòng, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Những thành tựu đã đạt được sau 9 năm xây dựng nông thôn mới là hết sức to lớn, nhưng các ngành, các địa phương không được chủ quan, không được thoả mãn về những kết quả ban đầu đã đạt được. Phải luôn nhất quán xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa, làm hết sức mình vì nông dân, nông thôn. Cần tiếp tục tổng huy động nguồn lực bằng nhiều cơ chế trong mục tiêu trung hạn 2021-2025 để nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Theo Thủ tướng, có 4 vấn đề cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới, đó là: Không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là nông dân miền núi; xây dựng miền quê đáng sống, xanh - sạch - đẹp; tiếp tục bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hoá của người dân trong hội nhập phát triển; tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị không ngừng vững mạnh để phục vụ nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, cả nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới. Chúng ta cần phải quyết tâm cao hơn, có kế hoạch cụ thể hơn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới là để người dân giàu có và thịnh vượng. Các địa phương, các ngành cần tích cực hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Các cấp uỷ, chính quyền không được làm chệch hướng về xây dựng nông thôn mới, không phải chỉ cần hạ tầng, mà là nâng cao đời sống, tinh thần, thu nhập của người dân.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận nhằm đánh giá rõ hơn những thành tựu, kết quả nổi bật của Chương trình trong thời gian vừa qua; đánh giá vai trò và sáng tạo của người dân, kinh nghiệm tuyên truyền, lôi cuốn người dân đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới; chỉ ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như những tồn tại, hạn chế, những bất cập để phục vụ tốt hơn cho công tác nghiên cứu ban hành khung khổ pháp lý để triển khai Chương trình và đề xuất chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, tiêu chí, các văn bản hướng dẫn để triển khai xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo; đề xuất các giải pháp và nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn, hiệu quả hơn để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ngày càng tốt hơn; lựa chọn các nội dung để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng các cấp…/.