TH true Milk có vùng nguyên liệu khổng lồ, trồng ngô và cỏ cao sản tại huyện Nghĩa Đàn với hệ thống tưới tự động và tổng diện tích lên đến 328ha. Trong đó, diện tích trồng ngô sinh khối phục vụ đàn bò là 150ha.
Với diện tích 150ha, những cánh đồng ngô sinh khối của TH true Milk đạt săng suất khoảng 40 tấn/ha và sản lượng của vụ mùa năm 2019 là 35.000 tấn. Với đặc điểm cần sự tương đồng khi làm thức ăn cho bò nên việc thu hoạch ngô phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể.
Trong đợt thu hoạch cuối tháng 12, các chuyên gia, công nhân của TH true Milk đưa ra mục tiêu thu hoạch trong 3 ngày, mỗi ngày trung bình 2.000 tấn, tương đương 180 lượt xe tải cỡ lớn chở ngô sinh khối thành phẩm về cơ sở sản xuất thức ăn dành cho bò.
Để làm được điều này, TH đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trên cánh đồng trong mùa thu hoạch. Trên cánh đồng TH trong mùa thu hoạch cuối tháng 12 này có 5 chiếc máy gặt cắt liên hợp hiệu John Deere SPFH với nhiều mã khác nhau như 7350, 7380, 8500.
Theo ông Nguyễn Lê Thăng, người phụ trách mảng trồng trọt của TH true Milk, trong đợt thu hoạch vụ mùa năm nay, ông và các cộng sự đã làm nên kỷ lục mới khi 1 ngày với 5 cỗ máy của John Deere đã thu và nghiền được 2.840 tấn ngô sinh khối.
Dàn máy gặt hỗn hợp này của TH true Milk có giá khoảng 10 tỉ đồng mỗi chiếc và được xem như "siêu xe" trong giới thiết bị nông nghiệp. Đây được xem là những cỗ máy thu hoạch hiện đại nhất nhì châu Á vào thời điểm này.
Theo các công nhân lái máy, mỗi giờ máy có thể thu hoạch được 7-8 ha ngô hoặc hơn, phụ thuộc vào tình trạng luân chuyển xe tải chở ngô thành phẩm. Nếu có nhiều xe tải, quá trình nghỉ đổi xe được rút ngắn thì năng suất thu hoạch còn cao hơn nữa.
Đầu cắt Kemper rộng 6 hàng có thể cắt được 1,5 tấn/phút, điều khiển bằng máy tính. Ngoài ra, máy còn có bộ nghiền hạt ngô (Kernel Processor) và trộn đều vào thân lá để giúp cho quá trình ủ chua hiệu quả hơn.
Khi thu hoạch, những cỗ máy di chuyển dọc theo cánh đồng ngô, đi đến đâu cắt, nghiền đến đấy. Sau khi được nghiền nhỏ, ngô sinh khối được chuyển qua xe tải bằng hệ thống vòi phun lắp ngay trên nóc máy gặt. Hai tài xế của máy gặt và xe tải phải phối hợp nhịp nhàng với nhau, vừa di chuyển song song vừa giữ khoảng cách để ngô không bị phun ra ngoài.
Để hoạt động hiệu quả, các xe được xếp so le nhau, tức là đuôi mát cắt hàng ngoài cùng sẽ sát với đầu xe tải hàng thứ hai vì xe tải bao giờ cũng phải chạy trước vài mét. Cứ thế, mỗi lần đi hết một chiều của cánh đồng các xe sẽ đồng loạt quay đầu.
Người điểu khiển máy cắt không chỉ đi thẳng hàng mà còn phải khéo léo điều khiển vòi phun đến từng khu vực của thùng xe tải, tránh tình trạng chỗ đầy chỗ vơi. Mỗi khi xe tải đầy thùng sẽ nhanh chóng di chuyển ra phía ngoài, phủ bạt và chuyển về khu chế biến, nhường chỗ cho xe khác vào thay.
Bên trong cabin của máy cắt John Deere rất hiện đại, bên cạnh hệ thống điều hòa luôn đảm bảo nhiệt độ thoải mái cho người điều khiển thì hệ thống nút bấm, màn hình cũng rất thuận lợi cho thao tác. Việc điều khiển các lưỡi cắt, góc cắt, tốc độ cắt có thể được điều chỉnh trên màn hình cảm ứng, đơn giản như sử dụng điện thoại di động.
Sau khi được cắt, nghiền, ngô sinh khối sẽ được chuyển về trung tâm chế biến thức ăn cho bò. Ở đó, ngô được trộn với thức ăn tinh (cám) và một số nguyên liệu rồi đem ủ chua trước khi cho bò ăn.
Những cỗ máy John Deere này không chỉ làm nhiệm vụ thu hoạch ngô, tùy theo mùa vụ, chúng được tùy biến để cắt thêm cỏ và hoa hướng dương phục vụ nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa của TH true Milk.
Sau khi thu hoạch xong, những cánh đồng sẽ được bón vôi, bón phân hữu cơ rồi cày bừa và gieo hạt cho mùa vụ mới.
Q.C