Mặc dù từ năm 2019, Sở Giao thông vận tải Hòa Bình đã ra quyết định đình chỉ hoạt động, giải tỏa các bến thủy nội địa trên vì không phù hợp quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Tuy nhiên, các bến thủy nội địa trên vẫn hoạt động đều đặn nhiều năm.
Các bến đã hết phép và không nằm trong quy hoạch
Nhiều lần quan sát khu vực chân cầu Hòa Bình 2 thuộc phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình chúng tôi thấy, những bãi cát được bơm lên như ngọn núi cao hàng chục mét, có lúc cao bằng cả mặt cây cầu.
Dưới lòng sông, xà lan vẫn bơm cát lên bãi; trên bờ ô-tô chạy liên tục ra các ngả đường bụi mù, ô nhiễm. Có lúc đã xảy ra tai nạn gây chết người ngay tại đầu cầu Hòa Bình 2, phường Thịnh Lang… khiến nhân dân bức xúc nhiều năm nay mà các cấp chính quyền và lực lượng chức năng chưa giải quyết dứt điểm.
Ô-tô chở cát từ dưới bãi gây ô nhiễm môi trường, rẽ trái vào đường cấm lên cầu Hòa Bình 2 bất chấp luật lệ giao thông.
Tại sao lại có câu chuyện trên? Được biết, cụm bến thủy nội địa thuộc tổ 1, phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, từ Km54+00 đến Km 54+900 bờ trái sông Đà (chân cầu Hòa Bình 2) là khu đất được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê đất và vùng nước để hoạt động kinh doanh vật liệu đá, cát, sỏi.
Các công ty thuê trả tiền hằng năm là: Công ty TNHH Tuân Lộc thuê 953m2 đất, 2.614,1m2 mặt nước từ năm 2010 đến năm 2040; Công ty TNHH Hường Trang thuê 1.121m2 đất, 2.446,7m2 mặt nước từ năm 2010 đến năm 2040; Công ty TNHH Quỳnh Hà thuê 6.926,5m2 đất từ năm 2007 đến năm 2057.
Tuy nhiên, hiện, cả 3 bến thủy trên đã hết phép bến thủy nội địa và không còn nằm trong Quy hoạch của tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1648 ngày 20/12/2023.
Những “núi cát” giữa trung tâm nhiều năm nay đã gây mất mỹ quan của thành phố Hòa Bình thơ mộng.
Theo quy định tại khoản 5, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11: Việc xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải phù hợp quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tại khoản 2, Điều 4, Nghị định số 8/2021 của Chính phủ quy định: Đầu tư xây dựng luồng đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch…
Vì vậy, không có cơ sở để cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoạt động cho các bến thủy tại tổ 1, phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Được biết, ngày 1/1/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, các bến thủy nội địa trên không còn nằm trong quy hoạch chung của tỉnh.
Theo quyết định, Sở Giao thông vận tải không thực hiện hoặc gia hạn cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đối với các tổ chức, cá nhân có vị trí bến thủy nội địa không còn phù hợp quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh thường xuyên tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng thời xử lý các phương tiện, chủ phương tiện hoạt động, vận chuyển không đúng quy định pháp luật về an toàn giao thông. Xử lý nghiêm các bãi chứa cát, sỏi gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đê điều, thoát lũ và gây mất trật tự trị an trong khu vực.
Mặc dù Sở Giao thông vận tải Hòa Bình đã ra quyết định đình chỉ hoạt động, giải tỏa các bến thủy nội địa trên vì không phù hợp quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa, nhưng hoạt chuyên chở cát vẫn diễn ra.
Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình tổ chức thực hiện việc di chuyển các điểm kinh doanh cát, sỏi không phù hợp quy hoạch về các vị trí tập kết theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt… Thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về việc sử dụng bãi chứa cát, sỏi trên địa bàn không đúng mục đích, tập kết cát, sỏi không rõ nguồn gốc, các bến thủy hoạt động trái phép, không nằm trong quy hoạch được phê duyệt.
Để thực hiện các giải pháp căn cơ, triệt để về vấn đề trên, đề nghị Ủy ban nhân nhân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các sở, ngành cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình khẩn trương quy hoạch cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xem xét các quy định để làm thủ tục thu hồi đất đã cho thuê tại những địa bàn không còn phù hợp quy hoạch nhằm bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường thủy tuyến hạ lưu sông Đà nói chung và chân cầu Hòa Bình 2 nói riêng.
Yêu cầu các doanh nghiệp cần phối hợp các cơ quan chức năng để di dời bến, bãi tập kết vật liệu đến các địa điểm cho thuê mới nằm trong quy hoạch cảng, bến thủy trên địa bàn thành phố. Cấp phép cảng, bến để hoạt động khai thác theo đúng quy định.
Hoạt động chở cát đến và đi diễn ra tấp nập.
Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân thành phố Hòa Bình cử các phòng, ban chuyên môn phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Công an tỉnh đề thành lập tổ công tác liên ngành triển khai các phương án kiểm tra, xử lý dứt điểm đối với các hành vị vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; vị phạm về hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bãi kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.
Cương quyết giải tỏa các công trình xây dựng sai mục đích, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, các hoạt động gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình cầu, đường, đê điều và ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị.
Trần Hảo – Nguyễn Tuấn – Báo Nhân Dân
Theo Nhân Dân