Moitruong.net.vn
– Trong 30 năm qua, nhiệt độ tại Nam Cực tăng nhanh gấp 3 lần so với phần còn lại của Trái đất mà nguyên nhân là do tình trạng ấm lên của các đại dương khu vực nhiệt đới.
Các nhà nghiên cứu tại New Zealand, Anh và Mỹ đã đưa ra kết luận trên sau phân tích dữ liệu tổng hợp về thời tiết trong 60 năm qua, kết hợp với các mô hình dựng bằng máy vi tính.
Phát hiện này hoàn toàn trái ngược với nhiều ý kiến của nhiều người lâu nay cho rằng, Nam Cực là nơi có nhiệt độ mát mẻ ngay cả khi khu vực châu Nam Cực đang ấm lên.
“Nam Cực dường như bị cô lập với phần còn lại trên khắp thế giới”, Clem, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington (New Zealand), cho biết. “Tuy nhiên, thật bất ngờ, nơi đây đang ấm lên nhanh chóng, thậm chí là một trong những nơi có tốc độ ấm lên nhanh nhất hành tinh.”
Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, Nam Cực – nơi xa xôi hẻo lánh nhất của Trái đất – nóng lên với nhiệt độ khoảng 0,6 độ C trong một thập kỷ, trong khi đó phần còn lại của Trái đất tăng 0,2 độ C.
Trước đây, chúng ta thường nghĩ rằng Cực Nam trái đất vẫn mát mẻ ngay cả khi lục địa nóng lên; nhưng trên thực tế, đây là một trong những nơi ấm lên nhanh nhất hành tinh. Ảnh: Shutterstock
Theo các nhà khoa học, việc nhiệt độ đại dương ấm hơn ở phía Tây Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ qua đã làm giảm áp suất khí quyển trên biển Wedwell ở phía Nam Đại Tây Dương.
Chính điều này đã làm tăng luồng không khí nóng trực tiếp đến Nam Cực, làm ấm hơn 1,83 độ C kể từ năm 1989.
Ngoài ra, các tác giả nghiên cứu cho biết, xu hướng nóng lên tự nhiên có thể do khí thải nhà kính nhân tạo và xu hướng này có thể đang che giấu hiệu ứng nóng lên của tình trạng ô nhiễm carbon tại Nam Cực.
Trong thế kỷ XX, nhiệt độ tăng lên được ghi nhận trên khắp Tây Nam Cực và bán đảo Nam Cực, còn nhiệt độ tại Nam Cực lại giảm xuống. Điều này đã khiến nhiều người cho rằng Nam Cực có thể “miễn dịch” trước tình trạng ấm lên.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất này đã cho thấy điều ngược lại.
Theo lý giải của các tác giả, sự thay đổi này là do dao động liên vùng Thái Bình Dương (IPO). Chu kỳ IPO kéo dài 15-30 năm và có sự xen kẽ giữa các trạng thái “dương” – thời điểm vùng biển Thái Bình Dương nhiệt đới nóng hơn và vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương lạnh hơn mức trung bình, và trạng thái “âm” khi nhiệt độ có sự đảo ngược bất thường.
Các nhà nghiên cứu cho biết, IPO đã chuyển sang trạng thái “âm” vào đầu thế kỷ XXI, dẫn đến sự đối lưu lớn hơn và cực đoan áp lực hơn ở vĩ độ cao, dẫn đến một luồng không khí ấm hơn ngay trên Cực Nam.
Hồng Trang (T/h)