(HNM) - Cùng với quá trình đô thị hóa, việc giải phóng mặt bằng để làm đường theo quy hoạch trên địa bàn Hà Nội đã phát sinh nhiều trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (nhà “siêu mỏng, siêu méo”). Trước tình trạng này, Hà Nội đang tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, thực hiện các biện pháp xử lý nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo”, kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở.
Còn những ”ca” khó
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, giai đoạn trước ngày 15-3-2005 (thời điểm Quyết định 39/2005/QĐ-TTg ngày 28-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng), trên địa bàn thành phố có 394 trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” tại những tuyến phố: Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai (quận Ba Đình); Vĩnh Tuy, Minh Khai (quận Hai Bà Trưng),... và 552 trường hợp hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới sau năm 2005. Đến nay, các quận đã xử lý được 289/394 trường hợp tồn tại trước thời điểm Quyết định 39/2005/QĐ-TTg và 510/552 trường hợp phát sinh sau đó.
Ông Lý Chí Hồng, Phó Trưởng phòng Thanh tra 3 (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Trong số 147 trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng, có đến 105 trường hợp phát sinh trước năm 2005. Việc xử lý các trường hợp này khó khăn là do tại Quyết định 39/2005/QĐ-TTg quy định “công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch, nhưng chưa phù hợp về kiến trúc được phép tồn tại theo hiện trạng”. Do đó, kết quả xử lý chủ yếu vẫn là vận động người dân hợp thửa, hợp khối.
Song, theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bắc Từ Liêm Đỗ Anh Tuấn, không phải hộ nào cũng có điều kiện để mua lại, bởi giá đất mặt đường tăng cao; nhiều hộ còn cố tình ép giá, nên việc thỏa thuận không dễ...
Là một trong những hộ dân nằm trong diện này, ông Phạm Văn Lợi, tổ dân phố Đống 3 (đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Sau khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng đường Phạm Văn Đồng, diện tích đất ngoài chỉ giới của gia đình tôi còn 10,6m2, không đủ điều kiện cấp phép xây dựng. Hiện gia đình tôi vẫn đang phải thỏa thuận, làm thủ tục hợp thửa, hợp khối với hộ phía sau”.
Bên cạnh đó, giải pháp thu hồi đất (không đủ điều kiện xây dựng, nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng) cũng còn vướng mắc. Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên cho biết: Hiện quận chưa có căn cứ để xử lý thu hồi diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng do thiếu quy hoạch thiết kế đô thị hai bên tuyến đường (trên địa bàn quận mới có tuyến Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu có quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường).
“Để thu hồi đất, cần có căn cứ (theo quy hoạch thiết kế đô thị 2 bên tuyến đường) để biết đất thu hồi sẽ phục vụ mục đích gì.
Do vậy, quận đang yêu cầu giữ nguyên hiện trạng và đề xuất thực hiện khi có quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt...”, ông Vũ Trung Kiên cho hay.
Cần giải pháp đồng bộ
Thực hiện Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 11-11-2016 của Chủ tịch UBND thành phố về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đã lập tổ công tác liên ngành; các quận, huyện đã chủ động, tích cực vào cuộc. Nhờ đó, đã kéo giảm số lượng nhà “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh.
Tại quận Tây Hồ, đến giữa năm 2019, trên địa bàn quận còn 39 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên đường Lạc Long Quân, Nguyễn Đình Thi, Võ Chí Công. Ông Lê Văn Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận cho biết, nhằm giảm thiểu việc phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo”, quận đã tập trung rà soát thực địa, xác định các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng ngay từ khâu giải phóng mặt bằng, đưa giải pháp xử lý sớm nhất...
Với quận Bắc Từ Liêm, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đỗ Anh Tuấn cho hay, không để phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo” khi thực hiện dự án mở rộng đường Vành đai 3 (đường Phạm Văn Đồng), quận đã lập danh sách, lưu hình ảnh từng trường hợp, kiên quyết phá dỡ hết công trình đã được bồi thường hỗ trợ ngoài chỉ giới, cũng như vận động hợp thửa, hợp khối với các trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng... Nhờ đó đến nay, quận đã xử lý, giải quyết được 99/107 trường hợp.
Tuy nhiên, để xử lý triệt để các trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh trên các tuyến đường mới mở, ông Đỗ Anh Tuấn kiến nghị, chủ đầu tư cần thực hiện đồng thời lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường khi triển khai dự án để quận, huyện chủ động rà soát, đề xuất thực hiện ngay từ đầu các phương án xử lý.
Trước các vướng mắc trong quá trình xử lý nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo”, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội, đồng thời đề xuất Chủ tịch UBND các quận, huyện chủ trì, chỉ đạo xử lý dứt điểm các trường hợp đang tồn tại bằng các giải pháp như hợp thửa, hợp khối; thu hồi, đề xuất phương án xử lý bảo đảm mỹ quan đô thị, cảnh quan kiến trúc hai bên tuyến phố. Đối với các chủ đầu tư, việc thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch cần bố trí đủ kinh phí cho việc giải phóng mặt bằng, thu hồi cả đất ngoài chỉ giới với các trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng và thực hiện phương án thiết kế chỉnh trang kiến trúc.