Đối tượng Phó Đức Nam tại cơ quan điều tra.
Nói về phương thức quản lý nhân viên của đường dây lừa đảo đầu tư tài chính xuyên quốc gia do Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter cầm đầu, Thượng úy Trần Công Hậu - Đội CSHS Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc lần tìm dấu vết của các đối tượng trong đường dây trên không gian mạng, mà công tác trinh sát địa điểm đặt văn phòng làm việc của các đối tượng cũng vô cùng vất vả.
Bởi đường dây này có tới 44 văn phòng (24 văn phòng ở Hà Nội) với 1.918 nhân viên quản lý vùng, quản lý văn phòng và sale. Các văn phòng này tập trung tại quận trung tâm như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân và 20 văn phòng ở TP HCM, Đà Nẵng, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan. Địa điểm đặt văn phòng làm việc của nhân viên sale đều nằm trong các tòa nhà văn phòng, chung cư cao cấp có lực lượng an ninh (phòng pháp chế) riêng để cảnh giới, quan sát, khi nghi ngờ bị phát hiện, các đối tượng sẽ có 'hành động' để đối phó với cơ quan chức năng.
Các đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo. Ảnh CACC
"Mỗi lần lừa được mã to chiếm đoạt được số tiền lớn thì các đối tượng trong đường dây này cùng vỗ tay như một cách thức ăn mừng".
Vẫn theo Thượng úy Hậu, không gian làm việc của các văn phòng này bố trí khép kín, chia ra làm nhiều bộ phận như: sale - chăm sóc khách hàng, quản lý văn phòng; trưởng nhóm, trưởng phòng có nhiệm vụ dạy hướng dẫn nhân viên sale làm sao càng dụ dỗ được nhiều người càng tốt; ngoài ra còn bộ phận pháp chế, tuyển dụng, IT...
"Phòng pháp chế của các đối tượng có nhiệm vụ quan sát camera, hoặc ngồi ở cửa canh gác. Khi có lực lượng chức năng hay những người đến phỏng vấn các đối tượng sẽ cử đại diện ra để tiếp đón, lấp liếm hành vi, không cho cơ quan chức năng vào làm việc" - Thượng úy Hậu chia sẻ.
Khi các đối tượng 'pháp chế' nhận định nghi ngờ bị lộ văn phòng liền thông báo cho cấp trên thay đổi vị trí, phương thức. Có những địa điểm các đối tượng thấy có người quan sát là dán kính cửa đen không cho ai nhìn vào.
Đồng hồ phiên bản giới hạn có tổng giá trị khoảng 300 tỷ đồng thu giữ của các đối tượng liên quan.
Nhiều nhân viên sale bị đưa vào phòng đánh đập
Ngoài ra phòng 'pháp chế' trong đường dây này còn có nhiệm giám sát nhân viên, đảm bảo rằng các nhân viên mới phải cam kết khi nghỉ việc không được cung cấp thông tin cho ai, không được tố giác, tố cáo, nếu không sẽ bị xử lý.
Theo thượng úy Trần Công Hậu, khi đến làm việc nhân viên sale chấm công bằng vân tay, khuôn mặt để kiểm soát thời gian. Lúc về nhà là không liên quan đến công việc. Toàn bộ máy tính, điện thoại để ở công ty nhằm hạn chế việc cung cấp hoạt động của công ty ra bên ngoài.
Đáng chú ý, nếu các nhân viên cung cấp hoạt động của công ty ra ngoài sẽ bị lực lượng pháp chế đe dọa, thậm chí đánh đập, gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt của các nhân viên sale.
"Trên thực tế đã có rất nhiều nhân viên sale bị đe dọa, thậm chí bị bộ phận 'pháp chế' đưa vào phòng riêng đánh đập khi họ làm việc chểnh mảng, không tập trung, không có hiệu quả hay có thái độ không tốt" - Thượng úy Hậu thông tin.
Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra xác định định 2.661 bị hại trên toàn quốc nạp tiền vào lần đầu với tổng số tiền gần 50 triệu USD. Hiện, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 28 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 59 đồng hồ phiên bản giới hạn trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 7 mô tô hạng sang; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong tỏa 125 bất động sản.
Nguồn kienthuc.net.vn
Link bài gốchttps://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nhan-vien-trong-duong-day-lua-dao-cua-mr-pips-bi-khong-che-2061893.html?gidzl=_lmJ8LhrUslpunekNUzwQVZZ4YbBkd1ei-GOUno_AsosunylIEXzRRJXJ7uGxtazjESTV3YTE51oKlDrOW