Tại “Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” diễn ra ngày 21.8, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng dù đã dừng dự án điện hạt nhân, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa tìm ra công nghệ nào có thể thay thế điện hạt nhân khi nguồn năng lượng truyền thống đã cạn.
Theo GS.TS. Nguyễn Quân phân tích, các nguồn năng lượng truyền thống của Việt Nam đã dần cạn kiệt, hiện đang phải nhập khẩu rất nhiều than và sắp tới còn phải nhập khẩu khí hóa lỏng. Trong khi đó, nguồn nhiệt điện hiện nay cũng còn có rất nhiều vấn đề khi người dân ở nhiều nơi phản đối các dự án nhiệt điện vì cho rằng nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường. Thủy điện cũng hết nguồn cho các dự án có công suất vừa và lớn nên chỉ còn một số dự án thủy điện nhỏ.
Cùng với đó, nguồn năng lượng tái tạo mặc dù giàu có và đã có nhiều dự án điện mặt trời, điện gió nhưng hiệu quả rất thấp và không ổn định khi phụ tải nền vẫn không thể trông cậy vào nguồn năng lượng này.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng về lâu dài, Việt Nam phải nghĩ đến điện hạt nhân, vì “lý do trước mắt ta đã phải dừng, nhưng về lâu dài, một ngày nào đó Việt Nam vẫn phải làm điện hạt nhân. Nhật Bản từng đóng cửa nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa sóng thần nhưng một ngày đó tôi nghĩ Nhật Bản sẽ phải trở lại phát triển điện hạt nhân, tất nhiên là với mức độ an toàn và hiệu quả cao hơn”.
Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng cho rằng Việt Nam vẫn chưa có cơ sở nào để làm được điện hạt nhân một cách bền vững, vì thiếu cả nhân lực lẫn nguồn lực.
Ông Quân đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng trung tâm khoa học kỹ thuật hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân do Liên bang Nga giúp đỡ, thay cho lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt. Đây sẽ là nơi đào tạo cán bộ ngành hạt nhân cho Việt Nam.
“Đứng ở góc độ khoa học công nghệ, Việt Nam đứng đầu ASEAN về công nghệ hạt nhân. Lò phản ứng hạt nhân của ta rất có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích, vì vậy cần có trung tâm khoa học kỹ thuật hạt nhân mới, với lò phản ứng 10 – 15 MW. Lò này không chỉ dùng để nghiên cứu mà còn để một ngày nào đó, khi ta có làm điện hạt nhân thì có đủ số lượng cán bộ có trình độ”.
Ông Quân cũng lưu ý riêng về điện hạt nhân, đừng bao giờ để nước ngoài làm theo phương thức chìa khóa trao tay vì việc này cực kì nguy hiểm đối với an ninh năng lượng và an ninh quốc gia, đặc biệt là trong thời đại số, cá nhân/tổ chức có thể điều khiển nhà máy điện hạt nhân từ cách xa hàng nghìn cây số, thậm chí từ ngoài không gian.
“Ta có thể mời các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng vận hành phải là người Việt Nam. Với Bộ Công Thương, tôi cho rằng việc đào tạo nhân lực ngành điện hạt nhân cũng không nên dừng lại, dù cho ta chưa có địa chỉ làm việc. Riêng chuyên gia an toàn về điện hạt nhân, ta nên có chương trình đào tạo”, nguyên Bộ trưởng nói.
Lam Thanh