Ngày Khí tượng thế giới 23-3: Ứng phó với thời tiết cực đoan, khó dự đoán

23/03/2024 09:59

MTNN Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, với biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, đã tạo nên rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ lớn hơn và khó dự báo hơn trước.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, những hậu quả do biến đổi khí hậu sẽ ngày càng thảm khốc hơn nếu chúng ta không hành động kịp thời; cũng như cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn trên toàn thế giới.

Ông Hoàng Đức Cường.

PV: Năm 2024, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phát động Ngày Khí tượng thế giới 23/3 với chủ đề “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. Ông có thể chia sẻ rõ hơn ý nghĩa “tiên phong” mà WMO muốn nhấn mạnh trong chủ đề năm nay?

Ông Hoàng Đức Cường: Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI vì biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người và thực sự là mối hiểm họa không thể phủ nhận đối với toàn bộ nền văn minh nhân loại. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay - với biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ lớn hơn và khó dự báo hơn trước.

Những hậu quả do biến đổi khí hậu sẽ ngày càng thảm khốc hơn nếu chúng ta không hành động kịp thời ngay từ bây giờ và thực sự rất cần thiết phải có sự vào cuộc kịp thời của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn trên toàn thế giới. Các thông tin số liệu theo dõi, giám sát và dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân, Chính phủ trong việc ứng phó với các loại hình thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra và đưa ra các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc đã đề ra.

WMO cùng các thành viên của mình đã và sẽ luôn tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu, tận dụng kiến thức và am hiểu chuyên môn để vượt qua thách thức và đạt được sứ mệnh chung trên hành trình hợp tác và hướng tới một thế giới an toàn hơn, chống chịu tốt hơn trước thiên tai.

Một trong những yếu tố quan trọng để có thể tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu, đó là sự chủ động nắm bắt các yếu tố khí tượng thủy văn bất thường từ sớm và cảnh báo sớm, dự báo sớm. Ông có thể cho biết một vài thành quả thể hiện rõ vai trò và hiệu quả phục vụ phát triển bền vững?

- Hiệu quả mang lại từ các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn là rất lớn. Ví dụ như đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào mùa khô 2019-2020 được đánh giá là khốc liệt nhất từ trước đến nay nhưng nhờ thông tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn, nhất là Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các hội nghị và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai cụ thể các phương án phòng chống, khắc phục nên kết quả là thiệt hại của đợt xâm nhập mặn 2020 chỉ bằng 1/10 so với các năm hạn mặn lớn trước đây.

Biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Hay như việc ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, giữa năm 2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch ứng phó với nguy cơ thời điểm nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024, với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng đơn vị, trong đó yêu cầu hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tăng cường dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Các địa phương được dự báo nằm trong khu vực ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét, các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, sử dụng các thiết bị để tích, trữ nước... Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng các phương án vận hành linh hoạt các hồ chứa trên lưu vực sông, nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát điện.

Ngoài các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ nông nghiệp hỗ trợ cho các cơ quan quản lý, người dân trong chỉ đạo và sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa các tác động của thời tiết, tăng năng suất và hiệu quả.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, xin ông chia sẻ mục tiêu phát triển ngành khí tượng thủy văn trong thời gian tới?

- Mục tiêu phát triển của ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030 hướng đến đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.

Đến năm 2030 nâng tổng số trạm quan trắc tự động trên toàn mạng lưới đạt 95% đối với các trạm khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao và tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng nước. Nghiên cứu áp dụng công nghệ quan trắc từ xa bằng vệ tinh, camera, viễn thám, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng.

Dự báo khí tượng thủy văn hằng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường có độ tin cậy đạt 80-85%. Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2-3 ngày, tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3-5 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy đối với các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2-3 ngày, ở Trung Bộ trước 1-2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày; tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2-3 ngày lên thêm 5-10% so với năm 2020; cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 6 giờ; tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến 1 tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm; nâng chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN...

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Báo Đại Đoàn Kết
Link bài gốc

https://daidoanket.vn/ngay-khi-tuong-the-gioi-23-3-ung-pho-voi-thoi-tiet-cuc-doan-kho-du-doan-10275882.html

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bạn đọc quan tâm

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com