Hằng năm, các mỏ khai thác than thải ra hàng chục triệu m3 nước thải mỏ. Đặc biệt, nước thải mỏ than hầm lò có tính axít, chứa hàm lượng chất rắn lơ lửng và các chất ô nhiễm khác khá cao. Đứng trước yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, Đảng ủy, Ban lãnh đạo điều hành Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tập trung chỉ đạo toàn diện mọi mặt công tác sản xuất, kinh doanh và môi trường, phát triển bền vững, hài hoà với môi trường tự nhiên, xã hội thông qua việc ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều Nghị quyết, Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo về việc triển khai kế hoạch, nhiệm vụ công tác môi trường ngành Than.
Tăng cường tái chế nước thải
Đối với nước thải, trung bình những năm gần đây, các mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xả ra sông suối từ 120 -150 triệu m3 nước đã qua xử lý. Trong số nước này chỉ có một phần nhỏ được tái sử dụng, gây lãng phí tài nguyên nước. Do đó, tái sử dụng nước thải mỏ phục vụ cho sinh hoạt đang là vấn đề mà tỉnh và ngành Than quan tâm hiện nay.
Để tái chế nước thải sau sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó chủ chốt là Công ty TNHH MTV Môi trường TKV, tích cực phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường, các đơn vị đầu ngành trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nước thải sau xử lý tại các Trạm xử lý nước thải mỏ. Cùng với đó, đầu tư thêm hệ thống xử lý nước cấp tại các Trạm xử lý nước thải mỏ để tiếp tục xử lý giai đoạn hai, tiến tới đạt tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt, từ đó quay lại phục vụ cho chính các mỏ than và các hộ lân cận; đồng thời tiếp tục nghiên cứu các phương án, giải pháp đấu nối nguồn nước đã xử lý vào các hệ thống hồ chứa nước của tỉnh theo từng giai đoạn.
Trạm xử lý nước thải +25 Núi Nhện (phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) của Công ty TNHH MTV Môi trường TKV có công suất 1.200m3/h đảm bảo nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn B-QCVN
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 42 trạm xử lý nước thải mỏ do Công ty TNHH MTV Môi trường TKV quản lý, vận hành, với tổng lượng nước xử lý hằng năm từ 120-150 triệu m3 nước. Nước thải mỏ được xử lý đều đạt loại A, loại B theo quy chuẩn về môi trường và được quản lý nghiêm ngặt thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Bên cạnh việc chú trọng bảo vệ môi trường các bãi thải, ngành Than cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường TKV thực hiện quản lý và vận hành 41 trạm xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt; 1 nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; 3 trạm rửa xe ô tô tự động, 3 hệ thống rửa toa xe vận chuyển than tự động và 3 tuyến băng tải chuyên dụng vận chuyển than bên cạnh việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả xử lý nước thải mỏ.
Công ty đã đảm bảo duy trì chất lượng nước thải mỏ sau xử lý, bên cạnh việc hoàn thiện công nghệ, việc thường xuyên thực hiện quan trắc kiểm định mẫu nước. Hằng ngày tại mỗi trạm xử lý nước thải, đều tiến hành kiểm tra thường xuyên bằng máy đo pH và bằng cảm quan về chất lượng nước thải sau xử lý. Đặc biệt, công ty đã ký hợp đồng với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường) để thực hiện kiểm định mẫu nước định kỳ. Qua đó, góp phần hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến các mạch nước ngầm và làm thay đổi chất lượng nước, gây tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ con người.
Thay vì sử dụng nguồn nước tự nhiên để phục vụ sản xuất than, nhiều năm nay, đơn vị đã tận dụng lại nguồn nước thải mỏ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và một số công tác phụ trợ khác. Nước thải mỏ sau khi xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, nước thải đạt loại B về nước thải công nghiệp và có thể xả ra môi trường. Điều này vừa giúp giảm chi phí, vừa bảo vệ được tài nguyên nước.
TKV tăng cường các giải pháp tiết kiệm tài nguyên, tái chế nước thải
Thời gian tới Công ty TNHH MTV Môi trường TKV sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cụ thể, hiệu quả và triển khai sâu rộng nội dung Đề án “Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong giai đoạn 2026-2030” đến các đơn vị trong toàn Tập đoàn. Cùng với đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các đơn vị có liên quan triển khai các phương án, giải pháp đấu nối nguồn nước thải mỏ sau xử lý tại các Trạm xử lý nước thải mỏ khu vực thành phố Cẩm Phả về Nhà máy xử lý nước sạch trong khu vực để tiếp tục xử lý thành nước cấp sinh hoạt cho các hộ sử dụng hoặc để phục vụ tưới cây, rửa đường…
Đầu tư công nghệ, tăng chế biến sâu
Nhằm phát triển ngành than bền vững, tiết kiệm than trong quá trình sản xuất, đồng thời tăng cường chế biến sâu, tái chế, ngành than đã tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong khai thác than để thay đổi cơ bản hạ tầng công nghệ theo hướng hiện đại, TKV chỉ đạo các đơn vị khối sản xuất than hầm lò và lộ thiên tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị theo hướng đồng bộ, tiến dần đến tự động hóa hoàn toàn dây chuyền sản xuất, tiết kiệm nguồn than, giảm phát thải ra môi trường.
Trong các mỏ hầm lò, những dây chuyền đồng bộ không chỉ giúp các mỏ tăng năng suất, tăng sản lượng, mà còn tận thu tài nguyên hiệu quả. Suất tiêu hao gỗ chống lò trong các lò chợ giảm từ 50m3/1.000 tấn than xuống 14m3/1.000 tấn than. Công tác thông gió trong các mỏ hầm lò ngày càng được quan tâm, gió sạch được đưa xuống tận những tầng than sâu nhất. Các hệ thống phun sương dập bụi cũng được lắp đặt với mật độ lớn tại hầu hết vị trí dễ phát tán bụi.
Trên các khai trường lộ thiên, hệ thống xe ô tô trọng tải lớn 90-100 tấn được đầu tư ngày một nhiều, nhằm giảm số lượng xe lưu thông trên đường mỏ, giảm tình trạng phát tán bụi trong quá trình vận tải. Các thiết bị xúc bốc công suất lớn cũng được đầu tư để đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khai thác, tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế khí thải ra môi trường.
Cùng với đó, để "xanh hóa" hoạt động sản xuất than, ngành Than dành nguồn lực lớn tiếp tục nghiên cứu khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, đem lại "lợi ích kép", giúp giảm áp lực và chống sạt lở các bãi thải.
Bên cạnh việc sản xuất, ngành Than cũng tích cực triển khai các biện pháp phục hồi bãi thải, xanh hóa môi trường. Ðến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.200ha. Từ năm 2025, mỗi năm, Tập đoàn thực hiện phủ xanh thêm 1.000ha và sẽ kết thúc đổ thải các bãi đổ thải ngoài có hướng về các khu đô thị và QL18A để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, góp phần cùng Quảng Ninh đẩy nhanh chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh".
Nhận thức rõ trách nhiệm cũng như vai trò của công tác bảo vệ môi trường, trong những năm gần đây TKV đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng/năm cho công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, trọng tâm là xanh hóa các bãi thải mỏ, đầu tư hệ thống băng tải than để thay thế cho việc vận chuyển bằng ô tô; vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải mỏ, nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị thường xuyên duy trì tốt công tác bảo vệ môi trường, tập trung xử lý các vấn đề về chống bụi, độ ồn, rác thải công nghiệp, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo nguồn vốn thực hiện công tác bảo vệ môi trường; phát triển tổ chức, nhân lực làm công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về môi trường...
Phạm Kiên