Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)
Quyết định 2327/QĐ-TCHQ được ban hành nhằm triển khai chỉ đạo của lãnh đạo cấp các cấp tại Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị 769/CT-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành thanh tra; Quyết định 1072/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhằm chống tiêu cực, phiền hà sách nhiễu, tham nhũng trong ngành.
Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc phải gương mẫu, đi đầu, chỉ đạo đơn vị thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về phòng chống tiêu cực, phiền hà sách nhiễu, tham nhũng; các Đoàn thanh tra, kiểm tra phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đồng thời chấp hành kỷ cương, kỷ luật, quy tắc ứng xử khi thi hành công vụ.
Đồng thời, tại Quyết định 2327/QĐ-TCHQ, Tổng cục Hải quan đã đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu phòng chóng tiêu cực, phiền hà sách nhiễu, tham nhũng của cán bộ công chức hải quan trong thực thi công vụ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức Hải quan.
Cụ thể, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên quan đến công tác này.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ và xử lý vi phạm cán bộ, công chức. Các Cục, Chi cục Hải quan phải phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, công chức và niêm yết công khai tại trụ sở đơn vị cũng như trên cổng thông tin điện tử để người dân và doanh nghiệp biết; thực hiện kiểm tra nội bộ, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng hàng năm theo đúng kế hoạch; luân chuyển, luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức theo đúng quy định; công chức đứng đầu cũng bị xử lý khi để cán bộ, công chức của đơn vị mình có hành vi tiêu cực, phiền hà sách nhiễu, tham nhũng.
Cùng với đó, đối thoại với người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu để nắm được những vướng mắc cũng như tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp đối với những bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử, tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp theo quy định của Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo; đảm bảo thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi, kịp thời, khách quan, công tâm, đúng phạm vi thẩm quyền; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, thực hiện kỷ cương, kỷ luật đảm bảo đúng kế hoạch, kịp thời, đúng trình tự quy định, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Theo Tổng cục Hải quan, việc ban hành kế hoạch và các giải pháp cụ thể sẽ góp phần tích cực ngăn chặn được các hành vi tiêu cực, phiền hà sách nhiễu, tham nhũng trong ngành Hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan./.